Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với rủi ro mất 'cả vốn lẫn lời'
Khi đối tác mua hàng phá sản, bảo hộ phá sản
Noble House đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào ngày 11/9 lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ dành cho quận Nam Texas, phân khu Houston (“Tòa án xử các vụ Phá sản”). Việc bảo hộ phá sản như trên nhằm phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu Công ty Noble Houes trong thời gian tới. Theo báo cáo từ Bankrupt Company News, báo cáo liệt kê khoản nợ dài hạn là 74 triệu USD và nợ kinh doanh là 65 triệu USD.
Doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ đối diện với rủi ro mất cả vốn lẫn lời khi đối tác tuyên bố phá sản hoặc bảo hộ phá sản. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Noble House là nhà phân phối, nhà sản xuất và bán lẻ đồ nội thất gia đình trong nhà và ngoài trời với hệ thống phân phối trên khắp các kênh thương mại điện tử và đáp ứng trực tiếp các đơn đặt hàng cho người tiêu dùng từ các trung tâm phân phối của mình.
Theo các doanh nghiệp trong ngành gỗ, việc Noble House nộp đơn bảo hộ phá sản, các khoản nợ đối với các đối tác (bao gồm cả các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam) trước mắt đều phải dừng trả nợ và việc nhận hàng cũng sẽ bị đình lại. Sau khoảng 30 - 60 ngày, khi bước đầu Tòa án chấp nhận việc cơ cấu do nhà mua mới hay tái cơ cấu lại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có thể lấy lại hàng.
Về các khoản nợ cũ thì các nhà cung cấp (thường là các chủ nợ cũ không đảm bảo) sẽ phải thương lượng với lãnh đạo mới của Noble House. Việc lấy lại hàng mới hay hợp tác lại cũng sẽ do ban lãnh đạo mới của Noble House quyết định.
Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu, các phiên điều trần hay vấn đề liên quan đến tiền bạc sẽ do Tòa án kiểm soát. Các chủ nợ không đảm bảo có quyền kiện hoặc đòi quyền lợi ở các phiên điều trần và việc này sẽ mất nhiều thời gian.
Hiện tại, Tòa án đã gửi cho các đơn vị đối tác với khoảng 30 nhà chủ nợ không đảm bảo thư đăng ký thành viên của Ủy ban của các chủ nợ không đảm bảo. Việt Nam có khoảng hơn 18 doanh nghiệp cung cấp hàng cho Noble House, tuy nhiên, Tòa án Hoa Kỳ chỉ mời khoảng 8 doanh nghiệp đủ tư cách.
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp nguồn hàng cho Noble House cho hay, có thể doanh nghiệp được chọn hoặc không, trong trường hợp được chọn nhưng không tham gia phiên tòa vẫn có thể tham dự theo hình thức trực tuyến và thuê luật sư để bảo vệ tài sản của mình.
Giải pháp của các doanh nghiệp hiện nay là tìm cách khoanh nợ và tìm cách giảm nhẹ tổn thất. Đồng thời, thuê luật sư để giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tìm kiếm khách hàng để bù vào lượng hàng hao hụt do mất đơn hàng từ doanh nghiệp này. Đồng thời, phải làm việc với ngân hàng để tránh tình trạng ngân hàng phát mãi tài sản,…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – cho hay, hiện chúng ta vẫn đang phải chờ xem thủ tục cũng như các nội dung như thế nào. Tuy nhiên, đây là vấn đề nghiêm trọng bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể mất vốn. Việc doanh nghiệp chờ để đòi được các tài sản đã bán cho ông chủ này theo phán quyết của Tòa án cũng là một điều khó khăn.
Và khoảng trống bảo hiểm rủi ro xuất khẩu
Không chỉ tại thị trường Hoa Kỳ, tình trạng các đối tác, bạn hàng tại các thị trường lớn tuyên bố phá sản, đóng cửa cũng đã diễn ra.
Là doanh nghiệp đã từng đối mặt với rủi ro này, ông Nguyễn Liêm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt - cho biết, cách đây 2 - 3 năm chúng tôi cũng vướng vào việc này tại thị trường Anh, Lâm Việt mất khoảng 2,6 triệu USD (tương đương 62 tỷ đồng do đối tác nợ), ngoài ra vẫn còn hàng tồn kho.
Không chỉ có Lâm Việt mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ không chỉ nợ nhà cung cấp của Việt Nam mà còn nợ các nhà cung cấp ở các nước khác.
Theo Luật phá sản của Anh, ưu tiên số 1 đó là tài sản được thu lại sẽ ưu tiên trả lương cho công nhân. Tiếp theo đó là các khoản thuế, nợ ngân hàng, trả tiền cho thuê mặt bằng, cuối cùng còn lại mới thanh toán cho nhà cung cấp. Tại thời điểm đó các doanh nghiệp cũng bàn cách thuê luật sư, nhưng đội tư vấn khuyên không nên theo đuổi vụ kiện vì họ cũng không còn tiền. Hoặc có lấy lại được thì cũng chỉ vừa đủ tiền đi lại và thuê luật sư.
Thương trường được ví như chiến trường và rõ ràng "thuyền to thì sóng lớn". Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ đối diện với rủi ro lừa đảo thương mại, mà còn đối diện với nguy cơ mất 'cả vốn lẫn lời' khi đối tác nhập khẩu tuyên bố phá sản hay bảo hộ phá sản. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Việt Nam đó là khoảng trống bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Đinh Trọng Thịnh cho hay, bảo hiểm xuất nhập khẩu có từ trước đến nay. Đây là hình thức đảm bảo an toàn trong thanh toán xuất nhập khẩu. Việc này sẽ mất chi phí. Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thường không quan tâm và không thực hiện vì nghĩ rằng việc mua bán tốn kém, phiền phức.
“Bảo hiểm xuất nhập khẩu hàng hóa là một loại hình bảo hiểm rất phổ biến. Bên cạnh đó là bảo hiểm rủi ro thanh toán. Chỉ có điều các doanh nghiệp không tham gia cái này”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Hiện, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro, do đó, với tình huống đang xảy ra, ông Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần bình tĩnh xem xét, từ đó có các yêu cầu với nhà mua hàng và cơ quan chức năng để can thiệp.
Bên cạnh đó, các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần vào cuộc, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của phía bạn hoặc Tòa án nhằm nắm bắt tình hình và xử lý các tình huống xảy ra. Để từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình theo dõi, quản lý, giám sát và thu hồi nợ một cách tốt nhất.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường, dự báo, tình trạng phá sản sẽ còn diễn ra nhiều nữa. Trong khi ngành chế biến và xuất khẩu gỗ là ngành dễ bị tổn thương do phải đầu tư nguyên vật liệu, nhà xưởng rất lớn, trong một thời gian dài mới lấy lại được tiền.
Do đó, về lâu dài, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng kiến nghị, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cần thống nhất với các doanh nghiệp trong ngành về các phương thức thanh toán. Việc này, doanh nghiệp có thể phải chấp nhận lợi nhuận ít, nhưng sẽ không rơi vào tình trạng bị đối tác ép giá và tránh tình cảnh khi đối tác bị phá sản, bảo hộ phá sản thì doanh nghiệp lâm vào thế không thể thu hồi được tiền.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải gắn kết, trao đổi với nhau nhằm nắm bắt thông tin từ các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần hoạch định, xây dựng cơ chế tài chính phòng ngừa rủi ro.
Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đi theo kiểu tự tìm hiểu, tự mày mò, tự nghiên cứu và những vấn đề liên quan đến bảo hiểm rủi ro xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, của ngành gỗ nói riêng chưa quan tâm, hoặc quan tâm chưa tới.
Trong một diễn biến khác, hiện nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử B2B đầu cuối GigaCloud Technology thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận xác định với tư cách là nhà thầu bình phong để mua lại tất cả tài sản đáng kể của Noble House Home Furnishings và một số chi nhánh của thương hiệu này trị giá 85 triệu USD để xử lý vụ việc xin phá sản theo Chương 11 của Noble House. Larry Wu, người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của GigaCloud cho biết, với hơn 8.000 SKU và hệ thống chuỗi cung ứng mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng Noble House sẽ tăng thêm đáng kể hoạt động kinh doanh 1P và 3P của chúng tôi, bổ sung nhiều loại sản phẩm vốn đã đa dạng của chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi tin rằng nền tảng B2B của GigaCloud sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Noble House và mở rộng các kênh bán hàng của Noble House. Với bảng cân đối kế toán lành mạnh và hệ sinh thái thị trường gắn kết, chúng tôi tin tưởng rằng GigaCloud có các nguồn lực và khả năng quản lý để ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của Noble House trong tương lai. |