Bài 1: Chủ động làm cà phê đặc sản Lâm Đồng: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn huyện Mộc Châu |
Chung một ao nuôi nhưng có sản phẩm không được chứng nhận
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nước ta đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau hơn 3 năm triển khai Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm, có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính.
Thống kê đến năm 2022, cả nước có hơn 17.000 cơ sở sản xuất, 555 cơ sở chế biến, 60 cơ sở xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, có trên 160 doanh nghiệp Việt Nam với 200 sản phẩm đang có chứng nhận sản phẩm hữu cơ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Số liệu khảo sát của AC Nielsen cũng cho thấy, có hơn 80% người tiêu dùng cho rằng, việc tiếp cận thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam khá dễ dàng. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, có một bộ phận đông đảo người tiêu dùng thích các sản phẩm chế biến lành mạnh và được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường. Do đó, nhu cầu về các sản phẩm hữu cơ ngày càng gia tăng.
Mặc dù xu hướng sử dụng và nhu cầu về các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang tăng lên, tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ để đưa các sản phẩm ra thị trường. Trong đó, vấn đề thiếu hụt tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Xuân, Chuyên gia đánh giá trưởng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT-Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), cho đến hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 13 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc áp dụng các tiêu chuẩn này không đơn giản. Ví dụ như tiêu chuẩn hữu cơ trong thủy sản hiện chỉ có chứng nhận cho tôm và rong biển chứ chưa có tiêu chuẩn bao trùm.
Do đó, mới xảy ra trường hợp "dở khóc dở cười" là trong cùng một ao nuôi của hợp tác xã dù áp dụng cùng tiêu chuẩn nhưng tôm lại được chứng nhận hữu cơ, còn cá và cua thì không được chứng nhận. Một trường hợp khác là tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ hiện cũng chỉ có chứng nhận cho nông sản là sữa và mật ong.
Do có sự hạn chế về đối tượng chứng nhận hữu cơ nên một số hợp tác xã phải áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ cho sản phẩm nông sản của mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng cần chung tay giải quyết vấn đề này để mở rộng các đơn vị sản xuất áp dụng tiêu chuẩn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hữu cơ đang gặp khó do nhiều sản phẩm còn thiếu tiêu chuẩn. Ảnh minh họa |
Đối với việc chăn nuôi gà hữu cơ, việc đạt được chứng nhận cũng không hề dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hải Xuân cho biết, yêu cầu trong tiêu chuẩn đối với nguồn thức ăn cho gà là cám phải sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ. Trong khi cám cho gà chủ yếu là từ ngô và gạo trong khi ngô và gạo hữu cơ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người đã khó, để đáp ứng được nguồn cám hữu cơ phục vụ cho chăn nuôi còn khó hơn. Đồng thời, có những chất trong một số loại thuốc tăng sức đề kháng cho gà không được sử dụng trong tiêu chuẩn này cũng gây khó cho người chăn nuôi.
Ngay các loại phân bón Việt Nam cũng vậy. Hiện, Việt Nam chưa có chứng nhận cho vật tư đầu vào (phân hữu cơ). Hầu hết các loại phân bón vẫn được gọi là phân hữu cơ nhưng trong thành phần vẫn có những chất khoáng, NPK nhất định, mà điều này lại không đáp ứng được vấn đề an toàn cho sản xuất hữu cơ.
Do đó, theo bà Xuân, để giải quyết phần nào vấn đề này, một số đơn vị chứng nhận hữu cơ Việt Nam phải làm việc, liên kết với nhà sản xuất phân bón để tìm hiểu thành phần phân bón kết hợp với phân tích quy trình sản xuất của các hợp tác xã, từ đó ra “xác nhận” một số loại phân được phép sử dụng trong quy trình sản xuất hữu cơ Việt Nam.
Thiếu quy định về thời gian chuyển đổi
Một bất cập khác được doanh nghiệp nêu ra là vấn đề ghi nhãn sản phẩm hữu cơ. Để cung ứng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ ra thị trường, hợp tác xã phải đảm bảo bao bì cần có nhãn và logo theo Quy định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã, nhà sản xuất chưa nắm được điều này. Có hợp tác xã vẫn gặp khó khăn khi có làm logo nhưng không đúng theo quy định như thiếu mã số, dẫn đến không truy xuất được các thông tin cần thiết của sản phẩm.
Với vai trò của nhà sản xuất, có hợp tác xã cho rằng áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đã khó, duy trì và tiêu thụ nông sản, sản phẩm hữu cơ còn khó hơn. Bởi dù hợp tác xã sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam nhưng khi bán thóc cho một đơn vị khác chế biến ra sản phẩm cuối cùng thì theo quy định, sản phẩm cuối cùng này mới được chứng nhận hữu cơ. Điều đó khiến hợp tác xã dễ đánh mất thương hiệu trên thị trường.
Đáng chú ý, sản phẩm hữu cơ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài và những sản phẩm dán nhãn sản xuất theo “hướng hữu cơ”.
Trên thực tế, hiện nay, Nghị định 119/2017/NĐ-CP chỉ rõ, đơn vị sản xuất không được ghi trên nhãn là sản xuất theo “hướng hữu cơ” và nếu có sẽ bị phạt, chỉ được ghi trên nhãn là “đang chuyển đổi” theo hướng hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, CEO Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hương Đất cho biết, nếu đơn vị sản xuất đang chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản (theo quy định phải mất 2 năm) thì khi thời gian chuyển đổi được 1 năm, hợp tác xã có thể áp dụng quy tắc ghi nhãn bằng cách như vậy. Thế nhưng, tại Việt Nam hiện không quy định rõ thời gian chuyển đổi nên gây khó khăn cho nhà sản xuất trong khâu này.
Ngoài ra, logo của sản phẩm này cần phải thực hiện khâu quét mã. Nghĩa là thông tin chưa hiển thị hết ra bên ngoài cũng là khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, bởi nhiều người tiêu dùng không có thói quen quét mã QR.
Từ thực tế trên, một số doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng thêm tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định đã ban hành để phù hợp với tình hình canh tác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay.