Doanh nghiệp ngành đồ uống: Lao đao vì đại dịch
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện nghiên cứu tác động của dịch Covid-19 tới ngành sản xuất, kinh doanh của ngành đồ uống, nhận diện những khó khăn, đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp và kiến nghị một số chính sách liên quan để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nghiên cứu cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giảm sút đáng kể trong năm 2020. Doanh thu của toàn ngành đồ uống năm 2020 giảm 8% so với năm 2019, trong đó, riêng ngành nước giải khát có mức sụt giảm doanh thu 17%. Lợi nhuận của toàn ngành đồ uống năm 2020 giảm tới 82% so với năm 2019, trong đó, lợi nhuận của riêng ngành nước giải khát giảm tới 95%. Các doanh nghiệp tư nhân trong ngành nước giải khát chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với toàn ngành với mức sụt giảm lợi nhuận gần 97%. Tổng tài sản của toàn ngành đồ uống giảm 16% năm 2020 so với năm 2019, trong đó, tài sản của ngành nước giải khát giảm 28% năm 2020, về gần mức năm 2018. Mặc dù các doanh nghiệp đã rất nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, tác động của dịch Covid-19 đã khiến số lượng lao động trong ngành sản xuất, kinh doanh nước giải khát năm 2020 giảm 4%, thu nhập trung bình của lao động trong ngành giảm 7% so với năm 2019.
Lợi nhuận của doanh nghiệp đồ uống giảm mạnh |
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát trong nghiên cứu đều có chung nhận định rằng, mức độ tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp trong ngành đồ uống sẽ tiêu cực và nghiêm trọng hơn trong năm 2021. Có tới 45,83% số doanh nghiệp khảo sát dự kiến doanh thu năm 2021 tiếp tục giảm so với năm 2020 và hơn 2/3 số doanh nghiệp dự đoán lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm sâu trong năm 2021. Kết quả này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề và sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục bị suy yếu.
Tại hội thảo "Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức mới đây, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội - đã kiến nghị Chính phủ xem xét đảm bảo sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là đồ uống không cồn đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Đặc biệt, Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng do độ co giãn của cầu theo giá, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa và từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động. Vì vậy, việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, ngành nước giải khát cũng cần được bổ sung vào danh sách những ngành bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để được hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai và mở rộng đối tượng được thụ hưởng các gói hỗ trợ về vốn và thanh khoản, thuế và phí, lao động, việc làm và an sinh xã hội... đã ban hành, đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách và chương trình hành động nhằm tạo thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cung cấp thêm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các dịch vụ về đào tạo lao động, thông tin thị trường.