Doanh nghiệp lúa gạo làm gì để chào giá xuất khẩu có lợi?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Longđã thu hoạch xong, chỉ còn diện tích nhỏ ở một số địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục đạt mức cao trên 7 triệu tấn |
Bên cạnh đó, tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tiếp tục thu hoạch sớm lúa Hè Thu. Tại các tỉnh có diện tích lúa lớn như An Giang (hơn 200.000 ha), Kiên Giang (260.000 ha) một số huyện bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng này. Theo thống kê, năm nay, vùng xuống giống khoảng 1,4 triệu ha vụ Hè Thu với dự kiến chính vụ rơi vào tháng 6-7/2024.
Căn cứ vào những số liệu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.
Tuy nhiên, để chào giá xuất khẩu gạo có lợi, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho rằng, doanh nghiệp phải dự trữ được gạo khi vào mùa vụ thu hoạch. Và để làm được, ngân hàng nên mở rộng hạn mức cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho phù hợp để luân chuyển được hàng hóa theo vụ mùa, linh hoạt trong giải ngân, tránh tình trạng "bán đổ bán tháo" để được hợp đồng.
Thực tế, những tháng đầu năm nay, khi Việt Nam vào rộ vụ thu hoạch, giá chào bán gạo xuất khẩu đã liên tục giảm sâu, từ mức 663 USD/tấn vào cuối năm ngoái thì nay đã lùi về dưới mốc 600 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tới hiện tại dù giá gạo xuất khẩu đã bật tăng lại song vẫn đang thấp hơn Thái Lan 7 USD. Cụ thể, gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện ở 587 USD/tấn trong khi gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan ở mức 594 USD/tấn.
Do vậy, trên quan điểm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA đề xuất, Chính phủ cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là khó khăn về vốn do hạn mức tín dụng dành cho doanh nghiệp còn thấp, chưa được điều chỉnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo cũng cần được ngành chức năng hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết bền vững, cũng như quản lý chặt chẽ giá cả và chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định trong công tác điều hành, xuất khẩu gạo nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.
Đặc biệt, theo ông Nam, các doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Cùng với đó phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo, nâng giá thành sản xuất.