Doanh nghiệp góp ý gì về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới?
Tại Hội nghị trao đổi, thống nhất ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì diễn ra vào chiều ngày 2/10, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự thống nhất theo quan điểm của Ban soạn thảo.
Hội nghị trao đổi, thống nhất ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Cấn Dũng |
Ông Bùi Minh Tiến - Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - cho biết, hiện Petrovietnam và các đơn vị thành viên có một số doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xăng dầu, cả khâu sản xuất, kinh doanh lẫn phân phối. Thế nên, “qua các kỳ góp ý với các dự thảo, thì đến nay chúng tôi nhận thấy, dự thảo lần này đã có nhiều đổi mới, bám với thực tiễn để mở cửa cho các doanh nghiệp. Đối với các kiến nghị của Petrovietnam mà hợp lý cũng được Ban soạn thảo tiếp thu” - ông Tiến nói.
Đại diện Petrovietnam góp ý bổ sung thêm nội dung liên quan đến các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu. Theo đó, tại lần này, dự thảo đã bổ sung thêm thương nhân bao tiêu sản phẩm xăng dầu. “Chúng tôi hiểu là, thêm đối tượng này để nhắm tới thực tiễn phát sinh trong thời gian qua là chi nhánh của Tập đoàn thực hiện việc bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Chúng tôi rất cảm ơn sự ghi nhận của Bộ Công Thương” - ông Tiến bày tỏ.
Ông Bùi Minh Tiến - Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng |
Tuy nhiên, đại diện Petrovietnam kiến nghị, dù Ban soạn thảo đã đưa vào loại hình, nhưng trong dự thảo lại không có quy định về quyền và nghĩa vụ của loại hình doanh nghiệp này. “Thế cho nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm, nếu được chúng tôi xin có văn bản cụ thể gửi cho Ban soạn thảo” - ông Tiến đề nghị.
Đồng thời ông giải thích thêm, Nghị định 83 ra đời vào năm 2014, còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động từ năm 2018, do không có quy định về loại hình này cho nên khi ấy Bộ Công Thương đã cho phép vận dụng quyền của doanh nghiệp sản xuất xăng dầu. “Do đó, lần này chúng tôi đề nghị bổ sung thêm một điều quy định quyền của thương nhân bao tiêu sản phẩm trên tinh thần trước đây, vì nó phản ánh đúng với thực tiễn hiện nay mà chúng tôi đang làm. Từ đó đảm bảo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ quyền nhằm thực hiện việc bao tiêu sản phẩm như hiện nay chứ không phải thêm mới. Ngoài ra các nội dung khác Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ thì chúng tôi không có ý kiến gì thêm” - ông Tiến nói.
Ông Đoàn Văn Nhuộm - Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu Việt Nam phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng |
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Nhuộm - Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) bày tỏ, đối với Dự thảo lần thứ 4 của Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, PVOIL hoàn toàn thống nhất theo quan điểm của Ban soạn thảo.
“Ở đây tôi cũng rất đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về kho chứa nhiên liệu bay tại các sân bay. Bởi vì hiện kho chứa nhiên liệu bay rất hạn chế. Cho nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Nhuộm đề nghị.