Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tăng trưởng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ.
CôngThương - Theo ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ KH-CN, Tổ phó Tổ biên tập Đề án, KH-CN đã có những đóng góp rất tích cực vào đời sống, sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhiều đơn vị tăng trưởng và phát triển mạnh nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, kinh doanh.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel là điển hình. KH-CN đã đóng góp lớn vào sự thành công của tập đoàn này. Mỗi năm, Vietel dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nhờ đầu tư phát triển KH-CN đã có mức tăng trưởng bền vững suốt hơn 20 năm qua. Doanh thu tăng từ 60 tỷ đồng năm 2006 lên 180 tỷ năm 2011. Hàng năm, công ty luôn dành từ 20 - 30 tỷ cho hoạt động KH-CN. Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) - đơn vị tiên phong trong ngành cơ khí - đã đóng góp nhiều sáng kiến, tạo nên những kỳ tích của ngành cơ khí Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít các đơn vị cơ khí chuyên ngành chế tạo máy của Việt Nam được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhất. Xí nghiệp đã làm chủ được công nghệ hiện đại và sản xuất được 9/13 chủng loại thiết bị nâng hạ thay thế cho hàng nhập khẩu.
Ông Trần Văn Tùng khẳng định: Nếu đầu tư cho KH-CN, biết thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN và trân trọng các nhà khoa học, các đơn vị nhất định sẽ thành công.
Dù vậy, hoạt động KH-CN vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tư của nhà nước dành cho lĩnh vực này còn hạn chế. Khoảng 40% kinh phí đầu tư phát triển cho KH-CN không phải do Bộ KH-CN trực tiếp quản lý. Đã có tình trạng kinh phí đưa về các ngành, địa phương lẽ ra phải được đầu tư cho KH-CN, mua thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm… nhưng lại bị chuyển sang xây trường học, bệnh viện. Doanh nghiệp chưa mặn mà với đổi mới công nghệ…
Trước thực tế này, dự thảo đề án tập trung vào việc nâng dần đầu tư của Nhà nước cho KH-CN, song song với huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực và xây dựng tiềm lực KH-CN. Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH-CN, coi DN là trung tâm của đổi mới công nghệ. Hợp tác và hội nhập quốc tế là nguồn ngoại lực quan trọng không thể thiếu trong phát triển KH-CN…
Dự thảo đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có nền KH-CN phát triển nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Đảm bảo mức đầu tư cho KH-CN từ 2 - 2,3% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, các nhà khoa học và tổng công trình sư đầu ngành… Đồng thời, khắc phục cơ bản những rào cản chính về cơ chế, chính sách.
Đề án cũng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn, như: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với sự phát triển KH-CN; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường tiềm lực KH-CN; phát triển thị trường KH-CN; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế...
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có nền KH-CN phát triển nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |