Doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm tới nay, bên lề Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023, do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 11/10, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Bức tranh kinh tế trong nước và trên thế giới trong những tháng đầu năm 2023 vô cùng khó khăn.
“Thị trường tiêu thụ thu hẹp, tín dụng khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, đơn hàng xuất khẩu giảm nghiêm trọng… đã tác động tới toàn hệ sinh thái doanh nghiệp”, lãnh đạo VCCI nhận định.
Doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức |
Từ thực tế doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bà Vũ Kiều Nữ- Giám đốc Công ty Vũ Kiều, chia sẻ: 9 tháng qua, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn.
Thiếu vốn, giá vật tư tăng cao đã khiến doanh nghiệp bất động sản không thể mở rộng đầu tư, phát triển các dự án. “Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp còn không thể cầm cự và tồn tại được”, bà Vũ Kiều Nữ nói.
Tình trạng thiếu vốn không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng mà còn khiến các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất khác không có dòng vốn để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Doanh nghiệp dù lớn bao nhiêu, nguồn vốn đưa vào sản xuất kinh doanh cũng có hạn, do vậy ở thời điểm hiện tại Vũ Kiều cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp”, bà Vũ Kiều Nữ đề xuất.
Ông Trần Khánh Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển. Theo đó, khung giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu hiện thực hiện theo Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT đang chưa phản ảnh được hết những chi phí khai thác của doanh nghiệp cảng biển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng thấp hơn so với các cảng trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn đến việc các cảng biển thiếu hụt về nội lực cũng như sức cạnh tranh ngoại lực. Do đó, doanh nghiệp cảng biển mong muốn điều chỉnh lại khung giá này, đặc biệt là giá sàn.
Bên cạnh đó, ông Trần Khánh Hoàng cũng kiến nghị: Các cơ quan liên quan quan tâm chỉ đạo cho doanh nghiệp quy định điểm đổ thải, đơn giản thủ tục quy trình nạo vét khu nước trước bến. Đồng thời mong muốn, Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị sớm được luật hóa và đi vào cuộc sống.
9 tháng năm 2023 kinh tế trong nước khó khăn, điều này thể hiện rất rõ qua các chỉ tiêu kinh tế đạt được. Trong bối cảnh đó, theo ông Phạm Tấn Công doanh nghiệp đã rất nỗ lực để duy trì sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua thách thức.
Lãnh đạo VCCI cũng nhận định: Việt Nam có nền kinh tế rất mở kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP của đất nước, mọi biến động nhỏ của thế giới đều được phản ánh vào kinh tế Việt Nam.
Về những giải pháp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công cho rằng: Cần đồng bộ các giải pháp, trong đó, Chính phủ và các Bộ, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi.
Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ. Cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh; đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn đối thoại với Chính phủ, để có những đóng góp về mặt chính sách, từ đó phát triển ngành nghề sâu rộng hơn. Thông qua những đối thoại này, sẽ đưa ra chính sách có thể thực thi nhằm thúc đẩy nền kinh tế và đặc biệt những ngành mũi nhọn của đất nước.