Doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả lợi thế của EVFTA
Xuất khẩu tận dụng tốt lợi thế EVFTA
Tại Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)”, diễn ra ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - cho biết: Việc triển khai các biện pháp thực thi Hiệp định EVFTA, hướng tới tận dụng cơ hội ngay trong quý III/2020 đã được Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Kết quả bước đầu là rất tích cực, mức tăng so với cùng kỳ năm trước tăng lên qua 2 tháng. Tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh trong tháng 8 năm 2020 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.
“So với các FTA khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba... thì số lượng C/O mẫu EUR.1 trong Hiệp định EVFTA lớn hơn rất nhiều” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9 năm 2020. Trong đó, giày dép có trị giá xin cấp C/O sau 2 tháng đạt khoảng 391 triệu USD; hàng thủy sản đạt 183,4 triệu USD; nhựa và sản phẩm nhựa đạt 49,1 triệu USD; hàng dệt may đạt khoảng hơn 27 triệu USD. Các mặt hàng đã đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 với mức tỷ lệ sử dụng cao từ 50 - 80% gồm thủy sản, giày dép. Đây là các mặt hàng mà mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với GSP và tiêu chí xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu báo cáo kết quả triển khai thực thi quy tắc xuất xứ trong EVFTA |
Xuất xứ hàng hóa là quan trọng tiên quyết
Theo Bộ Công Thương để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Hai yếu tố này diễn ra song song và không thể tách rời. Do vậy, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Với những hỗ trợ từ Bộ Công Thương, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự kịp thời của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Nhờ đó lượng thủy sản, cụ thể là tôm qua EU kể từ tháng 8/2020 tới nay đã tăng rõ rệt với mức bình quân 15% so với trước thời điểm EVFTA có hiệu lực.
“Các quy định về chứng nhận xuất xứ đã được Bộ Công Thương làm kịp thời, có điều khoản cụ thể mang thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Đơn cử như C/O mẫu EUR.1 bị đối tác phản hồi không đúng màu thì ngay lập tức Bộ Công Thương đã có phản hồi để tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông Hòe cho biết thêm.
Ngoài vấn đề quy tắc xuất xứ, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam - cho rằng, muốn tận dụng được EVFTA doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, môi trường… ở thị trường này.
Tuân thủ quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA |
Doanh nghiệp mong được Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và cũng là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt hơn thị trường này, theo ông Trương Đình Hòe, ngành thủy sản mong muốn được Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành hỗ trợ trong thời gian tới. Cụ thể là hỗ trợ trong thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại. Trong đó vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là thông tin thị trường Anh - đây là thị trường xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 10% trong 2020. Song doanh nghiệp không biết sau Brexit thì vấn đề thuế quan, xuất khẩu vào nước này như thế nào. Do đó doanh nghiệp mong nhận được thông tin đầy đủ về thị trường Anh để có kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.