Nhiều “ông lớn” bất động sản kêu cứu
Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 28/CV- HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hồ Chí Minh về “Báo cáo cập nhật một số kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp bất động sản” và kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc của DN và thị trường BĐS hiện nay, nhằm phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định thị trường bất động sản.
Nhiều dự án chờ rà soát thanh tra khiến doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn khi triển khai thực hiện |
Theo đó, hàng loạt DN BĐS có tên tuổi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Địa ốc Phú Long, Công ty Địa ốc Xanh, Công ty Sơn Kim, Công ty Thương mại Xây dựng Lê Thành, Quốc Cường Gia Lai, Địa ốc Chợ Lớn, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín… đã kiến nghị lên UBND TP. Hồ Chí Minh và các sở ban ngành giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải hiện nay. Trong đó vấn đề “nóng nhất” là các dự án chờ rà soát, thanh tra. Bên cạnh đó là các vấn đề về thủ tục pháp lý, lập dự án và thực hiện đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ông Phùng Chu Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Long - cho biết, Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ cuối năm 2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và được UBND thành phố cấp giấy đỏ, Phú Long đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City.
Theo ông chủ doanh nghiệp này, điều nghịch lý là, cho đến nay tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân. Họ không chịu di dời, thậm chí còn có hành vi cản trở DN làm dự án. Phú Long đề nghị thành phố và huyện Nhà Bè hỗ trợ để giao đất đầy đủ cho công ty triển khai thực hiện dự án, thực hiện theo pháp luật.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) Bùi Tiến Thắng - cho hay, hiện TTC Land đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000 m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, quận 5. Tuy nhiên, DN đang gặp vướng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền sẽ khó vượt qua…
Theo ông Bùi Tiến Thắng, trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án thành phố duyệt là khoảng 4 tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh "kêu" rằng đang triển khai thủ tục để lập dự án chung cư tại quận Thủ Đức. Trong quá trình triển khai, Hưng Thịnh gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường vành đai 2, đường D5 và đường N2. Do đó, Hưng Thịnh đề nghị UBND thành phố chấp thuận cho Công ty Hưng Thịnh và một DN khác được lập dự án và thực hiện đầu tư, xây dựng đường D5 và đường N2 bằng nguồn vốn xã hội hóa của DN.
Sau thanh tra 124 dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí minh sẽ được triển khai trở lại |
Bên cạnh đó, Công ty Sơn Kim kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả các dự án của DN có diện tích chiếm đất của công trình ngầm, lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.
Theo Sơn Kim, khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm, nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất dự án lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế còn diện tích tầng hầm lại không được tính. Do vướng mắc này mà đến nay dự án của DN chưa được cấp sổ đỏ.
Vướng mắc chung khác của các dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh được nhiều DN nhắc đến là quy định "nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp". DN đề nghị TP tháo gỡ điểm nghẽn về đất công, quy định về đất ở hợp pháp... vì cho rằng đã "trói tay" các DN địa ốc.
Mong muốn thành phố có hành động cụ thể
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, hiệp hội cùng nhiều DN BĐS trên địa bàn thành phố đã kiến nghị lên lãnh đạo thành phố và mong muốn thành phố có những hành động cụ thể, kịp thời tìm cách tháo gỡ khẩn những "điểm nghẽn" vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Trước đó, tại cuộc họp với HoREA về tình hình đầu tư - kinh doanh BĐS trên địa bàn TP, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, đối với các kiến nghị cụ thể, dự án cụ thể liên quan đến sở ngành nào thì sở ngành đó phải có văn bản trả lời gửi cho DN một cách công khai, minh bạch. Trong đó, những vấn đề thuộc sở ngành, quận, huyện thì đơn vị đó giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của TP thì UBND TP giải quyết và nếu thuộc thẩm quyền bộ, ngành trung ương thì TP kiến nghị giải quyết…
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 31/3, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành liên quan thông báo đến các DN biết, 124 dự án trước đó đã bị tạm ngưng triển khai nay đã được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ và sẽ cho tiếp tục thực hiện để đầu tư các bước tiếp theo.