Thứ sáu 27/12/2024 07:29

Đoàn giám sát của Quốc hội: Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trung và dài hạn

Sáng 12/10, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội đã báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sáng nay, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 12/10.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, đại diện Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành hữu quan.

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Ngày 04/8/2022 và ngày 29/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và số 582/NQ-UBTVQH15 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và các giai đoạn trước, sau có liên quan; làm rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, làm tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho nền kinh tế

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa nội dung báo cáo của các cơ quan Trung ương, kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ kết quả giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, kết quả làm việc với Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 03/03 tập đoàn năng lượng, kết quả 07 hội thảo, tổ chức Đoàn đại biểu đi khảo sát, học tập tại Australia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhiều vòng tham vấn chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Theo đó, giai đoạn 2016 – 2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.

Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hoá dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ, kịch bản phát triển bình thường với mức tăng trưởng GDP trung bình, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng được dự báo là 113 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 194 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra: Phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tình hình giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.

Khắc phục những bất cập

Đoàn giám sát đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Từ đó, Đoàn giám sát đã đưa ra những bài học kinh nghiệm.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Theo đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025:

Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng, cụ thể:

Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Toàn cảnh phiên họp

Về bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng, Đoàn giám sát kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030; Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kho, cảng dự trữ xăng dầu tại khu vực Bắc-Trung-Nam để đáp ứng yêu cầu về dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.

Giải pháp cho trung và dài hạn

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Dự báo thời gian tới, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh dẫn đến nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng lên nhanh chóng, trong khi thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp, đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.

Nguồn cung năng lượng của thế giới hiện vẫn đang chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhưng xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, xanh, bảo đảm công bằng, bền vững là tất yếu, với tỷ trọng năng lượng tái tạo đang tăng nhanh nhờ sự thay đổi công nghệ và giảm chi phí đáng kể và hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nước ta đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, thay đổi tư duy, phương thức quản trị, đổi mới công nghệ, trong khi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, thị trường năng lượng trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường năng lượng thế giới. Tình hình trên đây tiếp tục ảnh hưởng và đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta trong phát triển năng lượng, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng:Trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công; nghiên cứu, xây dựng các dự án Luật về năng lượng tái tạo, về biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng bộ giữa chính sách phát triển năng lượng với các chính sách có liên quan, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thường xuyên đánh giá, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để có điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ. Có cơ chế, chính sách tăng dần tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối trong tổng sản lượng điện phát. Xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí phù hợp với điều kiện Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp năng lượng nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh, ứng dụng các mô hình và thông tin quản trị tiên tiến; hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng.

Nâng cao trình độ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển của ngành năng lượng. Ảnh: Minh họa

Nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, tập trung quan tâm vào nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lực năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, chế tạo thiết bị năng lượng, tiến tới làm chủ một số công nghệ hiện đại. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc để thúc đẩy đổi mới công nghệ và thiết bị trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm lượng tiêu thụ năng lượng; có chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý; nâng dần chất lượng nguồn nhân lực lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới. Tăng cường đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu; sử dụng có hiệu quả số nhân lực đã được đào tạo song song với đào tạo nâng cao nhân lực năng lượng nguyên tử.

Phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, than tại các khu vực tiềm năng; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên năng lượng. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển một số nguồn năng lượng mới (năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều). Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới. Có chiến lược dài hạn với phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam. Phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu hợp lý đảm bảo hiệu quả nguồn cung tốt nhất cho hệ thống điện; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải; quản lý chặt chẽ hơn cường độ tiêu thụ điện năng; giảm thiểu tối đa tổn thất điện năng; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy các loại hình tích trữ điện năng đưa vào ứng dụng nhanh chóng, kịp thời.

Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế- xã hội. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương, kết hợp chặt chẽ với phân bố lại không gian phát triển công nghiệp trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; thúc đẩy nhanh xã hội hoá các cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong ngành năng lượng. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng; xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu năng lượng; xác định danh mục các hạ tầng năng lượng có thể dùng chung. Xoá bỏ độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng. Chú trọng đưa yêu cầu dùng chung hạ tầng năng lượng vào các dự án thực hiện theo các hình thức đối tác công tư. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, chú trọng xây dựng hạ tầng năng lượng thông minh; hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng. Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện.

Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Liên thông giữa các phân ngành, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với triển khai thực thi kiểm toán năng lượng; nâng cao chất lượng trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt; gắn với các quy hoạch KTXH của địa phương và một số ngành khác.

Phát triển công nghiệp, thiết kế, chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng với mục tiêu nâng cao nội lực, tăng cường tỷ lệ nội địa hoá. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu, lấy cạnh tranh toàn cầu là động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy, thiết bị điện, dầu khí, dịch vụ dầu khí. Khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường tỷ lệ nội địa hoá trong ngành năng lượng; đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, đạt trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng thực hiện những công trình, dự án phức tạp, kỹ thuật cao trong ngành năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng công bằng. Điều này vừa bảo đảm yêu cầu tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo các cam kết quốc tế; xây dựng thị trường các - bon và thực hiện chính sách thuế các-bon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Chủ động và tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng để tranh thủ tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong thời hạn dài và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và về chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực năng lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và các dự án trọng điểm cần tập trung tháo gỡ, giải quyết trong lĩnh vực năng lượng.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Các vụ lừa đảo, mạo danh điện lực tại miền Trung – Tây Nguyên tăng

Bộ Công Thương: Sẽ thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đối với dự án điện hưởng không đúng quy định

Thi công dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Tổng công ty Đông Bắc 30 năm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệp năng lượng vào thị trường carbon

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: Ưu tiên đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống dịp lễ, Tết

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: 7 nhóm giải pháp chiến lược từ PGS.TS. Vũ Trọng Lâm

Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nga mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Mô hình kho LNG trung tâm: Giải pháp chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Đóng điện Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống

EVNNPT đóng điện đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

Tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân đạt Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

Bộ Công Thương xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí