Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi 2015. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Dự kiến, sẽ có 1.250 đại biểu đến từ 75 quốc gia tham dự diễn đàn, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 25 năm qua kinh tế châu Phi duy trì nhịp độ tăng trưởng từ 2-3%, cao hơn mức bình quân của thế giới. Với sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sản lượng nông nghiệp được nâng cao, dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Phi năm 2015 sẽ đạt 4,5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, trong số 10 nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới năm 2015, sẽ có 7 nước châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara, đồng thời mức tăng kinh tế của khu vực này sẽ cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới.
Châu Phi có dân số trẻ nhất và thị trường lao động lớn nhất thế giới. Trong 30 năm tới, cứ 5 trẻ em trên thế giới sẽ có một em sinh sống ở châu Phi. Bởi vậy, diễn đàn lần này sẽ trọng điểm thảo luận sự phát triển và lập nghiệp của giới trẻ và doanh nghiệp trẻ châu Phi.
Theo báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài và số liệu của tờ Thời báo Tài chính Anh, châu Phi hiện là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhất trên thế giới. Năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi tăng 65%, đạt khoảng 87 tỷ USD.
Trước cơn sốt đầu tư vào châu Phi hiện nay, diễn đàn lần này sẽ thảo luận về các vấn đề như thị trường vốn, cách thức huy động vốn, phòng chống rủi ro toàn cầu, tham gia thương mại toàn cầu của châu Phi.
Về con đường phát triển kiểu mới cho châu Phi, diễn đàn lần này sẽ đặt trọng tâm vào thị trường thông tin viễn thông và các ngành nghề mới nổi.
Có nhiều phiên họp sẽ thảo luận về các vấn đề như thông tin di động, cách mạng Internet, tiến trình số hóa, công nghệ truyền thông mới của châu Phi, đồng thời sẽ quan tâm các ngành năng lượng sạch, kinh tế biển và du lịch, nhằm tìm ra kế sách cho phát triển kinh tế của châu Phi trong tình hình mới.
Trước những thách thức khá cam go đặt ra cho châu Phi, diễn đàn lần này sẽ thảo luận về cách làm thế nào để ứng phó với các vấn đề như thiếu nguồn nước, bùng nổ dân số, hố ngăn cách kỹ thuật số, trình độ giáo dục không đồng đều, cơ sở hạ tầng lạc hậu, y tế chăm sóc sức khỏe yếu kém, thiếu lương thực, cũng như thiếu hụt nguồn điện, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của châu Phi.
Trước đặc trưng đa dạng với 3.000 dân tộc, 2.000 loại ngôn ngữ cũng như sự lưu chuyển giữa các nền văn hóa dân tộc khác nhau của châu Phi, diễn đàn lần này sẽ tiến hành phiên thảo luận chuyên đề về vấn đề di cư trong và ngoài châu Phi, tìm tòi và xây dựng phương án di cư mới./.