Điện Biên: Đưa mắc ca thành sản phẩm công nghiệp chủ lực, thương hiệu uy tín
Hướng mở phát triển kinh tế chủ lực tại địa phương
Mắc ca vốn là loại cây được tỉnh Điện Biênưu tiên phát triển để trở thành cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Trong khi nhiều huyện còn khó khăn khi triển khai, thậm chí có huyện xin dừng triển khai dự án thì huyện Tuần Giáo đã triển khai rất thành công và trở thành huyện có diện tích mắc ca lớn nhất cả nước.
Cây mắc ca tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2002 đã được cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và thành phố Điện Biên Phủ. Đến năm 2009 được đưa vào trồng tại huyện Mường Ảng thông qua một số chương trình, dự án và sau đó được người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng được hơn 7.200 ha, trong đó, chỉ tính riêng huyện Tuần Giáo đã trồng được trên 2.500 ha, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh. Sản lượng thu hoạch mắc ca toàn tỉnh năm 2023 đạt 373 tấn hạt.
Để đưa mắc ca Điện Biên trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trên thị trường, địa phương cần xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu |
Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: Xác định mắc ca là cây trồng phù hợp, mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao, đang phát huy tiềm năng, thế mạnh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và thay thế những cây trồng kém hiệu quả, huyện Tuần Giáo vẫn kiên trì với mục tiêu mở rộng diện tích.
“Thị trường quả mắc ca rộng, nhu cầu lớn và tiếp tục tăng. Hơn nữa, không phải ở đâu cũng trồng được loại cây này, trong khi mắc ca Tuần Giáo có năng suất, chất lượng tốt, không thể lãng phí tiềm năng phát triển. Lựa chọn không đi theo đại trà mới thắng”, ông Lê Xuân Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cảnh: "Một trong những yếu tố tiên quyết cho hướng đi này trước hết vì huyện Tuần Giáo được thiên nhiên ưu ái, có những điều kiện địa hình, môi trường lý tưởng cho cây mắc ca phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân".
Hơn 3 năm trở lại đây, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, huyện Tuần Giáo đã tập trung nghiên cứu để đưa giống mắc ca phù hợp nhất vào trồng. Đồng thời, tích cực tìm đầu ra ổn định cho loại cây này. Chính vì vậy, chủ trương trồng mắc ca được người dân ủng hộ và đã gặt hái những kết quả ban đầu.
Theo lãnh đạo huyện cho biết, năm 2023, toàn huyện có 2.800 hộ dân tham gia trồng mới được gần 1.700 ha cây mắc ca, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đây là kết quả vô cùng phấn khởi, mở ra hướng đi mới, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Phát huy kết quả đó, năm 2024 đã có 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mới cây mắc ca. Nâng tổng số hộ tham gia trồng cây mắc ca trên địa bàn lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp. Do vậy, diện tích trồng mới năm 2024 đã đạt 3.300 ha, nâng tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện lên hơn 6.000 ha và đưa Tuần Giáo trở thành huyện có diện tích cây mắc ca lớn nhất cả nước.
Với tầm nhìn chiến lược, huyện Tuần Giáo đã đặt mục tiêu đến hết năm 2025 toàn huyện sẽ có gần 10.000 ha cây mắc ca, trong đó có 8.000n ha của người dân trồng. Bình quân mỗi hộ dân sẽ sở hữu khoảng 100 cây mắc ca.
Đưa mắc ca Điện Biên trở thành thương hiệu uy tínChia sẻ về thế mạnh của cây mắc ca tại Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024 vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khẳng định, mắc ca được ưa chuộng tại 22 quốc gia với dân số hơn 2,2 tỉ người. Đây là cơ hội to lớn cho việc phát triển ngành mắc ca tại Điện Biên, đặc biệt là tại huyện Tuần Giáo.
"Tuy nhiên, để đưa mắc ca Điện Biên trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế, cần xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "mắc ca Điện Biên"" - ông Nguyễn Lân Hùng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trồng mắc ca tại bản Cang, xã Quài Nưa |
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, để biến cây mắc ca, cà phê và các loại cây trồng giá trị kinh tế cao thành hướng đi lâu dài, hiệu quả, huyện Tuần Giáo cần tập trung đầu tư phát triển ngành nông, lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các cây chiến lược như cây mắc ca.
Để phát triển bền vững cần áp dụng mô hình liên kết sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, gắn với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng.
"Ngoài ra, cần khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệuvà mở rộng thị trường. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắc ca Điện Biên, tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân" - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh.
Từ khi cây mắc ca bén rễ ở đất Tuần Giáo cho năng suất, chất lượng tốt đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và hứa hẹn trở thành cây làm giàu của đồng bào vùng cao nơi đây, huyện Tuần Giáo đã kiên trì với mục tiêu mở rộng diện tích.
Mắc ca là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao. Cây có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn, vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trưởng sinh thái.
Do mắc ca là cây trồng lâu năm, thời gian trên 3 năm mới bắt đầu cho quả và trên 5 năm mới đạt năng suất cao, huyện Tuần Giáo vừa tăng cường niềm tin trong nhân dân từ việc triển khai các mô hình kinh tế khác, phục hồi và nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây hiện có, đặc biệt là cây ăn quả, vừa tìm hướng đi bền vững cho mắc ca.
Để người dân tin tưởng vào việc trồng cây mắc ca, huyện Tuần Giáo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị quả mắc ca, cam kết bao tiêu sản phẩm. Trước đó, huyện Tuần Giáo ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH liên quan đến trồng mắc ca. Cụ thể, địa phương cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn TH và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Ðổi lại, Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong các dự án đó trong 50 năm, với đơn giá theo giá thị trường Australia.
Có thể thấy, huyện Tuần Giáo đang đi đúng hướng trong việc đưa cây mắc ca trở thành cây trồng công nghiệp chủ lực của địa phương theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Điện Biên, đó còn là quyết tâm, sự dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo huyện, sự tin tưởng, ủng hộ và đồng thuận của người dân, cam kết lâu dài của doanh nghiệp lớn.