Phát triển cụm công nghiệp ở Sơn La: "Chìa khóa" nâng cao năng lực chế biến nông sản Lai Châu: Nâng cao năng lực chế biến nông sản |
Hiện nay Điện Biên đã hình thành các vùng chuyên canh như: gạo tại huyện Điện Biên, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa… tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn như lúa gạo, ngô đậu tương đặc sản ở cánh đồng Mường Thanh; ngô, đậu tương ở Tuần Giáo, chè tuyết shan ở Tủa Chùa, Pú Nhi - Điện Biên Đông, Mường Phăng – Điện Biên, cà phê ở Điện Biên, Mường Ảng, chăn nuôi đại gia súc khu vực có diện tích đất rộng như Mường Nhé, Si Pa Phìn, huyện Mường Chà. Phát triển rừng sản xuất với các loại cây cao su, thông, cọ khiết, nguyên liệu gỗ ván dăm, bột giấy với diện tích quy hoạch 289 ngàn ha.
Chè shan tuyết là một trong những sản phẩm được đẩy mạnh chế biến |
Đồng thời, Điện Biên cũng hình thành một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được củng cố, khoa học công nghệ, cơ giới được áp dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với mô hình liên kết này, cơ cấu sản xuất nội ngành từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, quy mô, giá trị sản xuất lúa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh tiếp tục được duy trì và phát triển về chất lượng, hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như chè Shan tuyết, cà phê, cao su, trồng rừng sản xuất, gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Theo Trang thông tin điện tử tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân đạt 10,5%. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp 3.070 tỷ đồng, Công nghiệp chế biến, chế biến khoáng sản chiếm 83,4% (trong đó chế biến nông sản chiếm 16,3% trong công nghiệp chế biến), tăng 12,97% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2019 đạt 83 triệu USD, tăng 23,88% so với năm 2018.
Giai đoạn 2021 -2025, Điện Biên xác định phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản với các sản phẩm thế mạnh như: chế biến gạo đặc sản xuất khẩu gắn với canh tác trên cánh đồng Mường Thanh; chế biến các sản phẩm từ gỗ gắn với phát triển rừng nguyên liệu, chế biến nông sản khác như chè, cà phê, cao su, dược liệu, tinh dầu (xả, hương nhu)...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh điện biên có 08 đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Chế biến nông lâm sản: Công ty TNHH VN-STAR sản xuất Thức ăn chăn nuôi; Chế biến chè (Công ty TNHH trà Phan Nhất, Công ty Cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên, Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên); Công ty TNHH cà phê Hải An Chế biến Cà phê; Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp Điện Biên Chế biến tinh bột sắn; Công ty TNHHH Giống nông nghiệp Trường Hương Chế biến gạo; Công ty TNHH Loan Nhẹ Nuôi trồng, chế biến Đông trùng hạ thảo. Ngoài ra còn có các cơ sở nhỏ, lẻ sơ chế gạo phục vụ xuất khẩu gạo trong và ngoài nước.
Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu được hình thành và từng bước được nhân rộng trên các lĩnh vực như sản xuất lúa chất lượng cao, chè Shan tuyết, cà phê, cao su. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã được tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là xu hướng chung và cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Dù có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, năng lực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian qua, nước ta mới chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn khai thác chế biến nông nghiệp, chưa có cơ chế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã quy hoạch khu vực chế biến ở gần khu vực trồng nguyên liệu.
Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ khó khăn về cơ sở hạ tầng, mà còn đối diện với sự bất cập về phát triển vùng nguyên liệu. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết, bị cắt khúc bởi giới hạn địa giới hành chính… Hoặc nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng lại thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng...
Do đó, để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị nông sản, trong thời gian tới cần có giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập trên.