Thứ hai 25/11/2024 19:18

Điểm tên những thách thức từ các thị trường xuất khẩu nông sản năm 2023

Mặc dù đơn hàng tăng từ 20 - 30%, nhưng nông sản Việt vẫn đang đối diện với những thách thức không nhỏ từ các thị trường xuất khẩu trong năm 2023 này.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt 3,73 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng được ghi nhận.

Điểm tên những thách thức từ thị trường xuất khẩu nông sản Việt năm 2023

Thị trường được khai thông, nhiều thị trường mới được mở ra, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết, ngay từ những tháng đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dự báo về hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra nhiều cảnh báo về thị trường mà các doanh nghiệp cần lưu tâm.

Cụ thể, với Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản của thị trường này dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, hạt tiêu dự báo tăng trưởng bình quân từ 1 - 2% trong 5 năm tới; cà phê nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020 - 2025.

Tuy nhiên, thị hiếu thị trường Hoa Kỳ ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng không cao. Số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ còn khiêm tốn, hiện nay mới cấp phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam (xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi).

Hoa Kỳ hiện gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam (cá tra, tôm, gỗ dán và tủ gỗ, mật ong); ban hành các quy định thực thi chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP), quy định thực thi Luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA),… Đây đang là những nút thắt cho xuất khẩu nông sản Việt.

Với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam - với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm tươi, sống, xuất khẩu qua tiểu ngạch (trái cây, thủy sản), chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn bị lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách/quy định mới trong nhập khẩu. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao. Mặt khác, chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn bị lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách/quy định mới trong nhập khẩu. Ảnh minh họa

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, EU có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng cao đối với rau quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe và các sản phẩm đặc sản có chất lượng cao; nhu cầu gỗ nội thất (đặc biệt là gỗ đạt chứng chỉ) dự báo sẽ tăng trưởng do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trở lại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tuy nhiên, nhu cầu khó có khả năng tăng trưởng cao trong dài hạn. Mặt khác, đây là thị trường khó tính với các quy định SPS và TBT ngày càng thắt chặt. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU.

Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu và nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Bắc Á. Đây là các thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn trong năm 2023, đặc biệt nhu cầu về các sản phẩm rau quả, các cây gia vị.

Tuy nhiên, công tác mở cửa thị trường còn gặp nhiều khó khăn, do yêu cầu cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, và sự bảo hộ đối với một số ngành hàng trong nước; hệ thống sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu, kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường. Mặt khác, nông sản Việt cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc.

Thị trường ASEAN là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Đây là thị trường có tiềm năng cao trong năm 2023 khi các nước khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cùng với lợi thế về các hiệp định thương mại tự do, vị trí địa lý, văn hoá tiêu dùng và nhu cầu lớn về các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, thuỷ sản, gỗ, phân bón sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam.

Tuy nhiên, xu hướng sẽ không ổn định do các nước đang chủ động tăng nguồn cung trong nước, đồng thời tăng cường các quy định về an toàn thực phẩm. Mặt khác, nông sản Việt cũng phải cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Thái Lan và Ấn Độ về chất lượng, giá thành.

Ở nhóm thị trường mới/tiềm năng, thị trường Trung Đông được đánh giá là thị trường có thu nhập cao, có nhu cầu lớn về các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang thị trường này còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Nông sản Việt phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nhãn mác, bao gói, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm; qui định khắt khe về kiểm dịch động thực vật (đặc biệt là chứng nhận Halal).

Châu Phi là thị trường mới, tiềm năng rất lớn, nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Phi đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trong những năm qua còn rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD. Việc kết nối giao thương khó khăn, thanh toán gặp nhiều rủi ro.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thị trường thế giới đang có những rào cản cơ bản, biến đổi khí hậu phức tạp, nguyên liệu đầu vào tăng cao, đây là yếu tố khó khăn cho sản xuất. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, không có cách nào khác là nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại gắn với truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường….

Năm 2022, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; cà phê; gạo; rau quả; cao su; hạt điều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, năm 2023 vẫn tiếp tục thúc đẩy 7 mặt hàng xuất khẩu có lợi thế đạt trên 3 tỷ USD dù có một số tín hiệu thị trường khó khăn.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường EU

Tin cùng chuyên mục

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Hôm nay 25/11, bắt đầu Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024)

Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh nội địa hóa, chiếm lĩnh thị phần

Đang diễn ra Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024