Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại Hội nghị |
Vẫn còn vi phạm
Trong thời gian qua, sự cố hóa chất từ cháy nổ, rò rì xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại cái tỉnh công nghiệp có lượng doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất tập trung đông như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh ...
Báo cáo của Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho thấy, qua công tác rà soát, kiểm tra hàng năm của Sở Công Thương cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng, quản lý tốt hóa chất, vẫn còn doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định về an toàn hóa chất trong sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng hóa chất như: Kho chứa hóa chất chưa đúng theo tiêu chuẩn quy định, việc sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo; thiếu biển cảnh báo, chỉ dẫn an toàn hóa chất; thiếu trang thiết bị phòng hộ cho người tiếp xúc với hóa chất, công nhân tiếp xúc với hóa chất chưa được huấn luyện về kỹ thuật an toan hóa chất…Đặc biệt, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, khai báo hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất định kỳ theo quy định.
Theo số liệu thống kê của Phòng Kỹ thuật An toàn - Môi trường Công nghiệp, Sở Công Thương Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động song mới chỉ có gần 40 doanh nghiệp nộp báo cáo, khai báo hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất định kỳ theo quy định.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, hiện nay trên 63 tỉnh, thành phố vẫn còn 7 tỉnh chưa xây dựng Kế hoạch Phòng ngừa sự cố hóa chất cấp tỉnh; 8 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch nhưng đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Vấn đề này Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương chủ trì xây dựng thẩm định và phê duyệt đối với các Kế hoạch.
Nâng cao công tác phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất
Nhận định rõ yếu tố nguy hiểm, tiềm ẩn gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhìn nhận thực trạng này và ban hành hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về quản lý hóa chất, cụ thể: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 5/3/2013 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 1/7/2018 ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc.
Ông Phạm Huy Nam Sơn- Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất- Cục Hóa chất nhấn mạnh, trong thời gian tới doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó. “Cụ thể, doanh nghiệp phải bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn...”- ông Sơn lưu ý
Ông Phạm Huy Nam Sơn- Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất trình bày về các Văn bản quy phạm pháp luật về hóa chất |
Đối với từng địa phương, cần đẩy mạnh công tác quản lý an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch của tỉnh để phòng ngừa sự cố cũng như có ứng phó kịp thời trong các trường hợp sự cố hóa chất vượt ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực về con người cũng như trang, thiết bị của các doanh nghiệp và các lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp.
Cục Hóa chất cũng đề nghị các địa phương chủ động hơn để có các kịch bản cũng như thực hiện diễn tập theo quy định của Luật Hóa chất, Nghị định 113. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong ứng phó sự cố hóa chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, nhằm ngăn ngừa không để sự cố xảy ra cũng như sẵn sàng tích cực tham gia ứng phó khi sự cố xảy ra. Quan trọng hơn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động hóa chất.