Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có hơn 4.900 số xã đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 50,01% số xã cả nước. Xây dựng NTM đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã). Đặc biệt, các tỉnh: Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, TP. Đà Nẵng có 100% xã và huyện đạt chuẩn NTM. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Diện mạo nông thôn có rất nhiều khởi sắc rõ rệt |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường - đánh giá, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, nhận thức về NTM được tăng cường, đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình đến điều kiện nhà ở. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần từ 2010 đến 2018. Kết quả giảm nghèo đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn giảm nhanh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều địa phương đang chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững.
Điều đáng ghi nhận là, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đã mang lại những đổi thay mang tính đột phá. Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh; công nghiệp dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD.
Nếu như năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến nay đã có 10 nhóm. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á và đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Khoảng cách các vùng, miền còn lớn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chương trình: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng giữa các vùng, miền còn khá lớn; vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao; nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại.
Kết quả xây dựng NTM cũng được đánh giá chưa bền vững. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Không ít địa phương chạy theo phong trào. Đa số mới chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của người dân.
Điều tra năm 2019 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - cho thấy, chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án NTM của địa phương; 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án NTM… Có những trường hợp người được phỏng vấn ở xã đã đạt chuẩn NTM không biết rằng xã đã đạt chuẩn NTM. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xây dựng NTM phải gắn chặt với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn chặt với bảo vệ môi trường. Cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị đánh giá. Chủ động phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của người dân. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh lương thực cho nhóm nghèo; phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững.
PGS.TS.KTS TrầnTrọng Hanh- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Định hướng cho xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo cần gắn chặt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo hướng tiếp cận mới đi vào chiều sâu; phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị. |