Phát biểu tại chương trình, TS.Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, chương trình không chỉ là một sự kiện văn hóa, xã hội đơn thuần mà còn là một dịp để giao lưu và tạo dựng những hình ảnh tích cực cho môi trường học tập của sinh viên Trường Đại học Điện lực.
Cũng theo TS.Dương Trung Kiên, trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, không thể phủ nhận rằng các tệ nạn xã hội như ma túy, bạo lực, và những hành vi xấu vẫn đang rình rập và có thể dễ dàng xâm nhập vào đời sống của sinh viên.
TS.Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Phong Lâm |
Vì vậy, chương trình được Trường Đại học Điện lực tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và khơi gợi tình yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng sinh viên của trường. Các sinh viên không chỉ cần học tập chăm chỉ mà cần có lối sống và hành xử có văn hoá, biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
"Chương trình này sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải trí. Nó còn là cầu nối để chúng ta truyền tải những thông điệp sâu sắc về việc giữ gìn nhân cách và giá trị của bản thân trong bối cảnh xã hội hiện đại. Chúng ta sẽ thấy những tình huống có thể xảy ra xung quanh mình, nhận diện được những cám dỗ và thách thức, từ đó biết cách ứng xử hợp lý để lựa chọn con đường đúng đắn.
Rất mong rằng, sau chương trình này, mỗi người trong số chúng ta sẽ tự hứa với bản thân, cũng như với cộng đồng, sẽ hành động vì một môi trường học đường văn minh, an toàn hơn, đồng thời, tích cực lên tiếng và hành động để chống lại các tệ nạn xã hội", TS. Dương Đức Kiên nói.
Cùng phát biểu tại chương trình, TS. Vũ Hồng Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, tệ nạn xã hội đã và đang gây tác hại nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực tới nét đẹp văn hoá, sức khỏe của nhân dân, gây mất an ninh, trật tự xã hội. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo, chính sách và biện pháp ngăn chặn nhằm xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm cho mỗi người dân, mỗi gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Chỉ thị số 33/CT-TW, ngày 01/3/1994 của Ban Bí thư về lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội, khẳng định “Phòng, chống, khắc phục có hiệu quả các tệ nạn xã hội, trước hết là nạn mại dâm, nghiện ma túy, là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta phải kiên quyết lãnh đạo thực hiện”.
Gần đây nhất, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; “Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.
TS. Vũ Hồng Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao chương trình do Trường Đại học Điện lực tổ chức. Ảnh: Phong Lâm |
Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm soát ma tuý, mại dâm; tăng cường công tác phòng ngừa, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ người sau cai nghiện, mại dâm, nạn nhân bị buôn bán trở về hoà nhập cộng đồng”.
Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội. Đồng thời “phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.
Thực tế tình hình phòng, chống tệ nạn xã hội hiện nay cho thấy, mặc dù công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội đã được tổ chức thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp, với sự nỗ lực của toàn xã hội, nhưng tệ nạn xã hội vẫn có xu hướng gia tăng đặc biệt trong tầng lớp thanh thiếu niên, len lỏi vào trong môi trường học đường như ma túy, mại dâm, cờ bạc,…Tệ nạn làm tha hóa nhân cách, suy đồi đạo đức, đồng thời khiến các em bỏ bê việc học và đánh mất tương lai của chính mình. Đây cũng chính một trong những nguyên nhân quan trọng, là chất xúc tác dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay.
Học sinh, sinh viên là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, cũng như phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; xây dựng nét đẹp văn minh học đường cho người học trong nhà trường là việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
TS. Vũ Hồng Huy chia sẻ thêm, thời gian tới, trước những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội… đang ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của tầng lớp thanh thiếu niên, việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho người học, xây dựng một môi trường học đường an toàn, văn minh cần được xác định là một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi một cơ sở giáo dục.
"Tôi đánh giá cao sáng kiến của Trường Đại học Điện lực tổ chức chương trình hôm nay. Tôi mong rằng, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và những câu chuyện thực tiễn được sân khấu hóa giúp các em sinh viên thu được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, và thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của mỗi một cá nhân sinh viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới, xây dựng môi trường học đường Đại học Điện lực văn minh, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", TS. Vũ Hồng Huy nhấn mạnh.
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm khoa học "Văn minh học đường và phòng chống tệ nạn xã hội trong sinh viên". Ảnh: Phong Lâm |
Tại chương trình, sinh viên thuộc các khoa của Trường Đại học Điện lực đã trình diễn nhiều tiết mục sân khấu, hóa trang hấp dẫn xoay quanh các chủ đề về văn minh học đường và phòng chống tệ nạn xã hội trong đời sống, đặc biệt là trong môi trường giảng đường đại học. Các tiết mục trình diễn được ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, nội dung hấp dẫn, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên tuyền về văn minh học đường và phong chống các tệ nạn xã hội.