Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về quy định hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, theo quy định hiện hành tại Nghị định 28/2015NĐ-CP, một trong những điều kiện người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm là: Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 3 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng một trong những nguyên nhân chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ này là do các trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP hiếm khi xảy ra nên người sử dụng lao động khó tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện hưởng.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ đề xuất sửa đổi điều kiện trên thành: Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: 1- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại; 2- Cơ quan có thẩm quyền xác định về quá trình sản xuất của đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 3- Cơ quan có thẩm quyền xác định về quá trình sản xuất của đơn vị làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; 4- Thực hiện chủ trương đã được hoạch định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hỗ trợ hiện nay (1 triệu đồng/người/tháng) chỉ mới đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản như may căn bản, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng... Mặt khác, đây là mức học phí tại các cơ sở đào tạo nghề công lập, nơi mà có giảng viên cơ hữu hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, còn tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí này còn cao hơn rất nhiều trong khi thời điểm người sử dụng lao động được hỗ trợ là thời điểm đang khó khăn về tài chính, không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Do đó, mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hiện nay chưa đáp ứng được học phí học nghề thực tế và chưa tương đồng với chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.