Đề xuất nhiều giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Ngày 5/7, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra “Hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.
Ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đồng chủ trì hội thảo |
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, đại diện các Sở, cơ quan chuyên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hội thảo nhằm quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề an toàn thực phẩm trên cơ sở những kết quả đạt được, những hạn chế cần khắc phục sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW.
An toàn thực phẩm không ngừng nâng cao
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên -Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế - nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an ninh, an toàn thực phẩm được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành nói chung và Bộ Y tế nói riêng quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
“Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm...” - ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Ngoài ra, việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tổ chức kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, đại diện các Sở, cơ quan chuyên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự hội thảo |
Kiến nghị nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị 17 thời gian tới
Tại hội thảo các đại biểu đã có nhiều tham luận đóng góp ý kiến, đồng thời đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại Trung ương và địa phương; thực trạng vấn đề an ninh an toàn thực phẩm ở Việt Nam và định hướng công tác quản lý trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW.
Trong đó, lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ưng đã chỉ rõ điểm mới nhất của Chỉ thị 17 so với các văn bản chỉ đạo trước đây là "an ninh thực phẩm" chính là đảm bảo khắc phục, phòng ngừa sự cố về an toàn thực phẩm và thống nhất đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Còn Lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra một số vấn đề đáng lo ngại cần có giải pháp quản lý chặt chẽ khi hoạt động quản lý thực phẩm qua môi trường mạng trở lên phổ biến như hiện nay đó là quảng cáo các sản phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo không được kiểm duyệt nội dung, nội dung quảng cáo không đúng sự thật về công dung sản phẩm…
Trong khi đó, một số Sở, cơ quan chuyên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Cần Thơ, Kiên Giang… cũng đề xuất nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị 17 trong tình hình mới.
Chia sẻ tại hội thảo về triển khai thực hiện chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Ban cán sự Đảng thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW .
Đánh giá thực tiễn bước đầu triển khai Bộ Công Thương nhận thấy còn một số khó khăn vướng mắc như: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở một số địa phương chỉ dừng lại ở văn bản, hành chính là chủ yếu, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác an toàn thực phẩm; số lượng công chức làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương ở tuyến tỉnh, huyện, xã còn thiếu về số lượng với yêu cầu quản lý…
Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được coi trọng nhưng chưa thực sự thường xuyên, việc tổng kết - đánh giá kết quả thực hiện còn hạn chế; thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đầy đủ; văn bản hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm tập trung nhiều vào hướng dẫn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm, còn ít văn bản quy định về bảo đảm nguồn lực, để thực hiện các mục tiêu an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước…
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) |
Để giải quyết khó khăn vướng mắc đặt ra nêu trên nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Chỉ thị trong thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị, đề xuất các giải pháp, nhóm giải pháp như: Sửa đổi, bổ sung Luật an toàn thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản phẩm thực phẩm hài hòa quy định quốc tế… để phù hợp với các Hiệp định, Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết cũng như đáp ứng được yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Cùng với đó, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ trung ương đến địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị, sửa đổi một số điều của pháp luật khác như Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm, chú trọng hơn nữa trong phân định chức năng quản lý, tránh chồng chéo giữa ba Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí để phục vụ các mặt công tác: xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, tuyên truyền, lấy mẫu, kiểm nghiệm và tiêu hủy thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chất phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị cửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự để tăng cường tính răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo hướng quy định rõ hình phạt tù và phạt tiền tương ứng với mức độ vi phạm và hậu quả trong việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm sử dụng hoặc sản xuất kinh doanh thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có chứa chất cấm hoặc không đáp ứng quy chuẩn thực phẩm…