Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt có khả thi?
Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.
Cụ thể, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử.
Tổng cục Thuế đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng |
Sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc, đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất của Tổng cục Thuế là rất tốt và minh bạch. Tuy nhiên, để thực hiện được rất khó, tính khả thi thấp bởi vì không phải 100% người mua vàng đều là để đầu tư và mua với số lượng lớn.
Theo ông Long, hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, cho nên việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không khả thi, kể cả là mua bán vàng.
PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) |
Hơn nữa, “hiện các đối tượng mua vàng tại Việt Nam đang rất phong phú, có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ từ 0,5 đến một vài chỉ vàng và những đối tượng này thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt là rất khó”, ông Long nói.
Theo vị chuyên gia, đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. Ông Long cũng nêu dẫn chứng, quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Do đó, nếu các cấp có thẩm quyền muốn sử dụng biện pháp quản lý này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: Quy định một hạn mức cụ thể bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. “Theo tôi, quy định thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch vàng từ 200 triệu đồng trở lên thì sẽ khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện nay”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Tương tự, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cũng bày tỏ lo ngại nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán vàng có thể sản sinh ra một thị trường song hành thanh toán vàng bằng tiền mặt kiểu “chợ đen”, như kiểu thị trường USD hiện nay.
“Quy định cấm dùng tiền mặt trong mua bán vàng sẽ không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng trong và thế giới, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, mà còn làm trầm trọng thêm các vấn đề này”, vị chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh các ý kiến chưa thật sự đồng tình, cũng có nhiều chuyên gia rất ủng hộ phương án hạn cấm thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho cả các giao dịch vàng vì đây là quy định hiệu quả để phòng chống rửa tiền.
Theo ông Hiếu, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác… đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu. Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức.
Do đó, theo ông Hiếu, khi mua vàng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lớn mới thanh toán không dùng tiền mặt. “Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay thì những giao dịch vàng nên thực hiện chuyển khoản”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Đối với lo ngại quy định hạn cấm dùng tiền mặt trong mua bán vàng sẽ khiến thị trường này trầm lắng. Theo vị chuyên gia, điều này là không đáng lo ngại dù sẽ có tác động đến giới kinh doanh vàng bởi từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, các cửa hàng kinh doanh vàng thường còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi là trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khó khăn. “Những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo chủ trương của Chính phủ hướng xã hội đến thanh toán không dùng tiền mặt, vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị cao nên việc thanh toán không dùng tiền mặt là đương nhiên. Vì thế, đề xuất cấm thanh toán tiền mặt với các giao dịch vàng không tác động nhiều đến thị trường vàng.
Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt, nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền. |