Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội
Liên quan đến quy định bắt buộc chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay Bộ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì để nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với tình hình hiện nay. |
Cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, những kiến nghị liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trước đó, liên quan đến quỹ đất nhà ở xã hội 20%, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp.
Theo đó, HoREA kiến nghị, nếu có cơ chế chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% sẽ vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
HoREA cho rằng, các dự án nhà ở thương mại (khu đô thị, khu nhà ở) rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân; về quy mô diện tích từ dưới 1ha đến vài chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, việc sử dụng 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại sẽ làm cho sản phẩm bị phân mảnh. Trong cùng một dự án có hai loại hình chất lượng khác nhau (nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp) cũng gây bất lợi cho người sống ở nhà ở xã hội vì dễ dẫn đến cảm giác bị phân biệt đối xử.
KTS Nguyễn Văn Thanh, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: “Nhu cầu của người giàu và người nghèo khác nhau, nên nếu áp đặt chung vào một khu thì cũng sẽ dẫn đến sự bất hợp lý. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư nếu có thực hiện cũng theo hình thức đối phó, phần diện tích thương mại thì được triển khai xây dựng nhanh để bán lấy lời,còn phần diện tích nhà ở xã hội để kéo dài chậm triển khai. Vì vậy, các địa phương cần phải thực hiện một cách nghiêm túc số tiền hoán đổi từ diện tích 20% đó chỉ để dùng xây dựng nhà ở xã hội tại một khu vực khác để đảm bảo tính đồng bộ, tập trung”
Ghi nhận tổng hợp các ý kiến trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, dự án nhà ở xã hội nên là đầu tư công, do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực tế, quá trình điều tiết thị trường nhà ở xã hội chủ yếu thông qua các doanh nghiệp với cơ chế chính sách hỗ trợ như hiện nay không hiệu quả. Hệ quả là khó có nhà ở giá thấp, Nhà nước thiếu chủ động trong quản lý, điều tiết nhà ở xã hội để ổn định an sinh. Đồng thời, việc phát triển quỹ sản phẩm phục vụ nhu cầu của Nhân dân cũng rất hạn chế, bởi vậy việc bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với tình hình hiện nay.