Lan tỏa hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ Khánh thành Công viên tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu Tác chiến trong thời bình: Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ cứu hộ động đất ở Myanmar |
Cuộc đời làm báo cho tôi may mắn có được những tư liệu quý và một vài trang viết về ông, một con người huyền thoại đã làm cả thế giới phải kính phục sự thầm lặng và đa dạng nhưng thuỷ chung son sắt của Bộ đội Cụ Hồ.
Nhà tình báo huyền thoại trên phim ảnh
Năm 1994, tôi, một chàng trai trẻ tuổi mười tám từ quê lúa Thái Bình sau khi học phổ thông bước vào quân ngũ, là học viên Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự, mang trong mình niềm tin mơ hồ nhưng mãnh liệt về đất nước, về những người đi trước.
![]() |
Nguyên mẫu Nguyễn Thành Luân trong phim "Ván bài lật ngửa" chính là nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo |
Thế hệ những người Việt Nam sinh năm 7X, 8X trở về trước như chúng tôi khi ấy, không ai không biết đến bộ phim Ván bài lật ngửa với nhân vật Nguyễn Thành Luân do diễn viên đẹp trai Nguyễn Chánh Tín thủ vai, phim đen trắng thường được chiếu bóng tại các sân kho hợp tác đã truyền cảm hứng cho biết bao người về một quá khứ hào hùng. Nhưng ít ai biết rằng nguyên mẫu Nguyễn Thành Luân chính là nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo – một nhân vật mà như chính tác giả cuốn tiểu thuyết về ông và các đồng đội của ông cho biết: Còn lâu mới diễn tả đầy đủ được sự tài ba, nhân cách lớn Phạm Ngọc Thảo.
![]() |
![]() |
Ảnh Tư liệu về Đại tá, Anh hùng Phạm Ngọc Thảo |
Sau hơn 10 tháng huấn luyện và sau dịp diễu binh A95 kỷ niệm 50 năm Quốc khánh, tháng 9/1995, chúng tôi về học Đại học đại cương tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây, mái trường đã lưu dấu biết bao nhân tài của Quân đội ta, đất nước ta.
Ở đó, trong gian nhà truyền thống cũ kỹ nhưng thấm đẫm tự hào, tôi lần đầu tiên biết đến cái tên Đại tá Phạm Ngọc Thảo – một người con của đất Nam Bộ, một “công tử Bạc Liêu” dứt bỏ đời sống xa hoa để đi theo lý tưởng cách mạng. Hơn thế, ông còn là học viên khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân I, khóa học được Bác Hồ đích thân dự khai giảng và trao lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân. Sự cảm phục trong tôi về người anh hùng Phạm Ngọc Thảo ngày một lớn thêm nhưng lúc đó tôi chỉ là một học viên trẻ, chưa bao giờ nghĩ mình trở thành nhà báo để có thể viết về ông.
Năm 2003-2005, tôi được Học viện Chính trị Quân sự cử đi học lớp đại học báo chí văn bằng 2 và có thời gian về thực tập tại Báo Quân đội nhân dân, cái tên Phạm Ngọc Thảo mới thực sự hằn sâu trong trái tim tôi, không còn là dòng chữ ngắn ngủi trong sử sách, mà là một huyền thoại sống động, một ngọn lửa thầm lặng cháy qua từng câu chuyện, từng trang tư liệu quý và từng lời kể của những chứng nhân lịch sử, đồng đội cùng thời của ông.
Năm 2005, tôi cùng người bạn đồng chí học cùng lớp Văn bằng 2 Báo chí Quân đội – nhà báo Nguyễn Như Thường (nay là Đại tá, Trưởng phòng Biên tập Văn hóa Văn nghệ, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam) – đã nhiều lần tìm gặp các nhân chứng lịch sử để xin tư liệu về Phạm Ngọc Thảo.
![]() |
Báo cáo thành tích của Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Phạm Ngọc Thảo. |
Chúng tôi đã thuyết phục được những người đồng chí lớn tuổi như Đại tá Phạm Chí Nhân, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hay Đại tá Trần Hậu Tưởng – những người từng cùng thời với ông, từng lưu giữ những ký ức vàng son của lớp sĩ quan đầu tiên.
Đặc biệt, tôi may mắn xin được phô tô bộ tài liệu gốc bản báo cáo thành tích của Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Khi ấy, thông tin về ông còn rất hạn chế, Tổng cục II Bộ Quốc phòng cũng chưa công khai rộng rãi vì nhiều lý do nhạy cảm. Tôi chỉ là học viên thực tập, chưa phải là phóng viên, phải rất vất vả và thậm chí phải dùng “tiểu xảo” mới được Đại tá Phạm Chí Nhân cho phô tô tập tài liệu quý giá đó.
Có được nó rồi, nhưng tôi chưa dám viết gì vì Đại tá Phạm Chí Nhân dặn, thông tin còn “mật”, chưa được công bố. Tôi cẩn thận giữ tập tài liệu đó trong ngăn tủ, như giữ một nén hương chờ ngày thắp lên.
Mộ phần giữa mùa hoa cháy
Tháng 4 năm 2008, đúng dịp kỷ niệm 33 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo thông tin trên tập tài liệu nói mộ phần ông nằm ở nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, tôi quyết định bay vào TP Hồ Chí Minh, một mình, để thực hiện một điều tâm nguyện: tìm đến mộ Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Nghĩa trang Thành phố rộng lớn, nắng tháng Tư bỏng rát trên vai. Tôi đi suốt, tìm suốt từng hàng bia, từng khu vực mà không thấy. Hiện ra trước mắt tôi là mộ phần của rất nhiều những nhân vật khai quốc công thần, những con người đã làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc, thế nhưng mãi không thấy tên ông.
Định bỏ cuộc, tôi bước lên kỳ đài nghĩa trang, dự định thắp một nén hương từ biệt rồi trở về.
Lạ lùng thay, chính trong khoảnh khắc đó, như một sự sắp đặt vô hình, trên lối ra về tôi phát hiện bia mộ khiêm nhường của ông, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, giữa những nhân vật lịch sử lẫy lừng khác.
Tôi mừng rỡ rớt nước mắt, vội vàng tìm thêm nhang, thắp lên mộ ông. Tôi nhờ người bạn đi cùng chụp tấm hình bia mộ ấy, mang theo như một bằng chứng cho sự trở về của ký ức.
Trở về Hà Nội, hơn 2 tháng sau, tôi viết nên hai bài báo đầu tiên về ông, đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần năm 2008 mang tên: “Cuộc đời thật của nhân vật chính trong phim “Ván bài lật ngửa” đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần ngày 11/6/2008 và ngày 19/6/2008.
Giữa ván bài lịch sử, một người đã ngửa trái tim mình
Phạm Ngọc Thảo là ai? Là tỉnh trưởng ngụy quyền, nhưng lại thả 2.000 tù chính trị cách mạng. Là người âm thầm tổ chức các cuộc đảo chính, gây rối loạn nội bộ địch, tạo điều kiện cho cách mạng tiến nhanh. Là chiến sĩ tình báo bậc thầy, làm chậm lại bước chân Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Là người chiến sĩ cộng sản, dù bị tra tấn đến chết, địch cũng không biết thân phận thực sự của ông. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và nhiều nhà cách mạng tiền bối từng nhắc lại nhiều lần: "Phong anh hùng cho Đại tá Phạm Ngọc Thảo nhiều lần vẫn là chưa đủ." Nguyên Phó tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ từng trả lời báo Thanh Niên: "Cái ông Phạm Ngọc Thảo này rất lạ. Hồi đó nhiều người nghĩ ổng là cộng sản, nhưng lạ là không ai làm gì được ổng. Ổng nói nhỏ nhẹ và rất thuyết phục, ai cũng nghe. Năm 1965, tôi mà không ngăn cản thì ổng đã làm Thủ tướng rồi”.
Từ năm 2008 đến nay, có biết bao bài viết, biết bao công trình được dựng lên để tôn vinh nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, người đã dâng hiến trọn đời cho Tổ quốc trong thầm lặng.
Tổng cục II đã không ngừng nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động tri ân thấm đẫm ân tình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người từng dành cả cuộc đời cho sự nghiệp tình báo và đối ngoại quốc phòng cũng nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các công việc tri ân ấy, và đã viết về ông trong cuốn sách tâm huyết "Người thầy...", như một nén hương gửi về quá khứ.
Những vinh danh đó, tuy muộn màng nhưng xứng đáng, như những nhịp cầu nối dài từ quá khứ oai hùng đến tương lai rực rỡ, để những thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rằng: Có những ngọn lửa lặng thầm đã sưởi ấm cho cả một dân tộc bước qua những năm tháng tối tăm.
Nén tâm nhang của một người lính cầm bút
Hôm nay, giữa mùa hoa đỏ tháng Tư, giữa thời khắc thiêng liêng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tôi một người bộ đội Cụ Hồ trưởng thành trong thời bình, nay đã chuyển ngành, công tác trong ngành Công Thương vẫn luôn mang theo mình bài học từ những bậc tiền nhân như Anh hùng Phạm Ngọc Thảo.
![]() |
Tác giả thắp hương trước mộ nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo tại nghĩa trang Tp Hồ Chí Minh một chiều tháng 4/2008 |
Dẫu mặt trận hôm nay là những cuộc chiến âm thầm về kinh tế, thương mại, hội nhập, thì bản lĩnh đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết vẫn mãi là ngọn cờ tôi theo đuổi.
Trong từng trang báo tôi viết, trong từng quyết định tôi suy tư, vẫn luôn vang vọng lời thầm thì của lịch sử: Hãy sống như những người đi trước, thầm lặng, bền bỉ, cống hiến, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích cộng đồng lên trên.
Xin được gửi nén hương lòng tri ân ông – người đã đi trọn ván bài lịch sử bằng cả trái tim son sắt vì nước non này.