Để ngành công nghiệp văn hoá là động lực phát triển kinh tế: Sớm khơi thông các rào cản
Công nghiệp văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Đối với Việt Nam, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá là nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước, khiến cho văn hoá trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tính đến năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP, năm 2022, tăng lên 4,04% GDP. Hiện, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá của Đông Nam Á.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể mà còn đóng góp nhiều giá trị bền vững khác, bao gồm các giá trị xã hội, văn hóa và môi trường. Trong đó, các ngành công nghiệp văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng, đặc biệt là trong các ngành nghệ thuật, thiết kế, truyền thông và du lịch.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam là chưa tương xứng. Theo như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ một số hạn chế, trong đó, cơ chế, chính sách, thể chế còn hạn hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn; công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng; thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu văn hoá, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, việc ngành công nghiệp văn hoá phát triển chưa như kỳ vọng là do chúng ta thiếu sự hợp tác hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực văn hóa. "Các doanh nghiệp văn hóa và các mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo đang bắt đầu tự tổ chức và hình thành nên các mạng lưới, nhưng nhìn chung các mạng lưới này còn mỏng và chưa gắn kết với các cơ hội chính sách mang tính chiến lược như các chương trình giáo dục, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển. Sự tăng trưởng về tiêu dùng vẫn chưa gắn với các sản phẩm văn hóa được sản xuất tại chính địa phương. Vi phạm bản quyền còn tràn lan cùng với công tác quản lý bản quyền, thu phí bản quyền kém hiệu quả đã làm cho thị trường văn hóa càng hạn chế bởi sự suy giảm các tiềm năng thương mại trong ngành công nghiệp văn hóa.
Khơi thông các điểm nghẽn
Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Ngoài ra, theo Chương trình mục tiêu về phát triển văn hoá giai đoạn đoạn 2025 – 2035, đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, đến năm 2035 phấn đấu ngành này đóng góp 8% vào GDP và có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc đề ra mục tiêu trên, chúng ta kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam sẽ đạt được nhiều bước tiến quan trọng, để không chỉ đóng góp nhiều hơn nữa về văn hóa, mà còn cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa. Từ đó, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp ngày càng lớn vào GDP quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan như du lịch, truyền thông và giáo dục. Các sản phẩm văn hóa Việt Nam sẽ không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu rộng rãi ra quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu này đề ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn, rào cản đối với ngành công nghiệp văn hoá. Trong đó, cần khơi thông điểm nghẽn nhận thức; đồng thời, chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu nghệ sĩ, nhưng cái chúng ta thiếu là môi trường, thể chế cho các tài năng sáng tạo bùng nổ. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó các ngành điện ảnh, du lịch, văn hóa, thời trang… hỗ trợ cho nhau thì rất khó để phát triển,
Theo đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, môi trường đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, Nhà nước cần triển khai và thực hiện tốt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và địa vị pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là cho các dự án sáng tạo và khởi nghiệp.
Tiếp theo là đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, bằng cách xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng văn hóa, như nhà hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa và các khu vui chơi giải trí chất lượng cao; phát triển hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo chuyên sâu cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa.
"Việc tăng cường quảng bá và tiếp thị cũng cần phải được đầu tư quan tâm hơn nữa. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các kênh truyền thông hiện đại, các sự kiện quốc tế và các chiến dịch marketing chiến lược. Cuối cùng là tạo ra một môi trường đổi mới và sáng tạo ở tất cả các địa phương và trên cả nước"- theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 12 ngành công nghiệp văn hoá gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. |