Để hấp dẫn nhà đầu tư EU...
- Thực tế, Việt Nam trở thành một cái tên hấp dẫn đối với các nước thành viên EU không chỉ vì TPP mà còn vì Việt Nam và EU sắp hoàn tất đàm phán để cuối năm 2014 có thể ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam và EU chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất - nhập khẩu (triệu USD) giữa Việt Nam- EU rất khả quan: Italia 1.910/978,6; Anh 3.168/471; Áo 1.538/165; Bỉ 1.057/425; Đức 3.886/2.269; Hà Lan 2.436/574; Pháp 1.764/835; Tây Ban Nha 1.740/254; Thụy Điển 747/186... Dù đó là những “con số vui” song không thể tự mãn nếu FTA Việt Nam- EU được ký kết, rất có thể “cán cân” xuất- nhập khẩu sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Có một thực tế đáng chú ý khác, số doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam còn quá thấp. Chẳng hạn, trên bảng thống kê dự án FDI tại Việt Nam được cấp phép mới từ đầu năm đến ngày 20/10/2013 chỉ hiện diện rất ít nước thành viên EU với số dự án và vốn đăng ký ít ỏi: Anh 10 dự án (180 triệu USD), Đức 18 dự án (90,2 triệu USD), Đan Mạch 4 dự án (41,4 triệu USD), Hà Lan 15 dự án (39,5 triệu USD), Pháp 16 dự án (36,8 triệu USD). Vì sao vậy?
Tại “Sách Trắng 2014- Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị” được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố chiều 11/11/2013, liên quan đến đầu tư, EuroCham nhận xét: Các quy định hiện hành không cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuế một cách thống nhất. Do đó, EuroCham khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần bảo đảm việc áp dụng ưu đãi thuế là minh bạch và nhất quán giữa các cơ quan thuế khác nhau và phản ánh đúng mục đích của khung pháp lý là nhằm khuyến khích đầu tư...
Đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân cản ngại thu hút đầu tư từ các nước EU. Những nhận xét và kiến nghị của EuroCham- đại diện cho tiếng nói của gần 800 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam- không thể không quan tâm nếu muốn thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư EU đến Việt Nam. Sự hấp dẫn không thể dựa vào hoàn cảnh, lợi thế khách quan từ bên ngoài mà phải được nỗ lực cải thiện những điểm “không hấp dẫn” từ bên trong.
Trần Phương