Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất
Ngày 12/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất” nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 |
Năng suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Thúc đẩy năng suất luôn là chủ đề được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm và muốn thực hiện.
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm cùng phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động trong hai năm 2021 và 2022, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác, chỉ đạt lần lượt là 4,71% và 4,81%, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch năng suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh, thành phố triển khai xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ tăng năng suất.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp tái cấu trúc nội dung của các chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự đầu tư cải tiến năng suất”. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm và tập trung kinh phí để có được kết quả tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đây chính là những định hướng quan trọng và rất thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Diễn đàn năng suất quốc gia năm nay có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, đây là cơ hội tốt để trao đổi, thảo luận về những giải pháp, chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đồng thời, diễn đàn này cũng sẽ kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ tại Diễn đàn |
PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Việt Nam có tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất hiện còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Nếu không tăng tốc đáng kể về tăng trưởng năng suất, Việt Nam sẽ khó đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Đề cập tới khung chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất của Việt Nam, PGS.TS Vũ Minh Khương đưa ra mô hình 5E trong hoạch định và thực thi chiến lược gồm: Cảm xúc (E01), Thấu hiểu (E02), Cam kết (E03), Kỹ thuật/Kế hoạch (E04), Tiến hoá/Khai phá (E05).
Việc tăng năng suất cần tập trung vào tăng TFP (năng suất nhân tố tổng hợp), phát triển nguồn nhân lực và tăng vốn. Ông cũng đưa ra mô hình SMART cho hành động gồm: Chiến lược (S), động lực (M), trách nhiệm (A), phản hồi (R) và niềm tin (T).
Đặc biệt, PGS.TS Vũ Minh Khương đưa ra 5 khuyến nghị chính sách cho Việt Nam gồm: Một là, thúc đẩy tư duy năng suất. Hai là, phát triển một chiến lược năng suất quốc gia mạnh mẽ thông qua các tiếp cận toàn diện, toàn quốc.
Ba là, thành lập các tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối, khuyến khích và giám sát các sáng kiến trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất ở mọi cấp độ.
Bốn là, khởi động nỗ lực nâng cao năng suất quốc gia để thu hút và huy động các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tăng năng suất ở tất cả các cấp. Năm là, tạo động lực và khuyến khích những bước đi mang tính chiến lược, đột phá để tăng năng suất.