Thứ bảy 28/12/2024 05:23

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại hoá ngành than, khoáng sản

Ngày 25/10, phát biểu tại hội nghị định hướng hoạt động khoa học, công nghệ (KH-CN) phục vụ đổi mới, hiện đại hoá công nghệ (ĐM-HĐHCN) khai thác và chế biến than, khoáng sản đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao công tác ĐM-HĐHCN của các doanh nghiệp, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, TKV và các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở Chương trình ĐM-HĐHCN phù hợp với định hướng của Chính phủ.

TKV đi đầu trong đổi mới, hiện đại hoá công nghệ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, thực hiện Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg ngày 4/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ĐM-HĐHCN trong ngành khai thác khoáng sản, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, điển hình là Tập đoàn TKV đã nghiêm túc thực hiện các nội dung ĐM-HĐHCN tại các doanh nghiệp.

Tập đoàn TKV đi đầu trong đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Đỗ Hồng Nguyên – Trưởng Ban khoa học công nghệ, thông tin và chiến lược phát triển của TKV thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Tập đoàn TKV đã xác định rõ chủ trương đổi mới công nghệ trong Chiến lược phát triển bền vững của TKV đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là “Không ngừng ĐM-HĐHCN theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, xí nghiệp, nhà máy đang hoạt động và áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới”.

“TKV đã tích cực, chủ động thực hiện “3 hoá” - Cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá - ở tất cả các khâu sản xuất” – ông Nguyên nói và cho biết, trong lĩnh vực khai thác than lộ thiện, hiện TKV đã cơ bản cơ giới hoá (CGH) ở tất cả các khâu sản xuất và áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới công suất lớn để giảm chi phí sản xuất và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc hợp nhất và liên thông kỹ thuật một số mỏ có cùng khoáng sản. Trong khi đó, trong khai thác hầm lò và sàng tuyển, chế biến than, TKV cũng đã thiết kế, xây dựng các mỏ và dây chuyền sàng tuyển có mức độ CGH cao với các thiết bị hiện đại, công suất lớn và đồng bộ.

Trong lĩnh vực sản xuất cơ khí – một trong những lĩnh vực ưu tiến của ngành than – TKV đã từng bước đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hoá công tác sử chữa và chế tạo thiết bị. Hiện nay, khối sản xuất cơ khí của TKV đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được nhiều sản phẩm cơ khí chủ lực, như: các loại vì chống thuỷ lực, giàn chống, giá chống, giàn mềm; các loại băng tải sử dụng trong ngành mỏ; tời cáp treo chở người; thiết bị sàng tuyển… Đặc biệt, các đơn vị trong TKV đã thực hiện thành công các gói thầu thiết kế, chế tạo, thi công xây dựng, lắp đặt các nhà máy tuyển than và khoáng sản.

Nhờ thực hiện tốt công tác đổi mới công nghệ, TKV không chỉ cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhân lực (giảm tới 97 nghìn người từ năm 2015 đến nay), nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm…

“Công tác áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, tự động hoá, cơ giới hoá và tin học hoá đã làm lợi cho TKV khoảng 450 tỷ đồng mỗi năm” – ông Nguyên cho biết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại hoá ngành than, khoáng sản

Trong thời gian tới, ông Đỗ Hồng Nguyên cho biết, TKV sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và lựa chọn công nghệ phù hợp để triển khai rộng rãi CGH đồng bộ hoặc bán CGH hợp lý trong tất cả các lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, sản xuất điện, hóa chất mỏ, cơ khí chế tạo.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: TKV và các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở Chương trình ĐM-HĐHCN phù hợp với định hướng của Chính phủ

Cụ thể về CGH, TKV sẽ tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị cơ khí chế tạo máy tại TKV để chế tạo mới các phụ tùng thiết bị, nội địa hóa một phần thiết bị nhập khẩu, trong đó chú trọng các vật tư, thiết bị phục vụ sửa chữa, thay thế các thiết bị lò chợ CGH nhằm chủ động về vật tư, thiết bị, giảm chi phí đầu tư… và hướng đến mục tiêu nội địa hóa đạt 50%. Đồng thời, tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài Phát triển áp dụng CGH đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh. TKV cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020, sản lượng khai thác than CGH chiếm khoáng 17,5% cơ cấu sản phẩm khai thác hầm lò. Phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào tất cả các công đoạn sản xuất chính từ khai thác, chế biến than, khoáng sản với mục tiêu sản lượng khai thác than CGH đồng bộ và mét lò chống neo toàn Tập đoàn chiếm khoảng 30% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và số mét lò đào mới của Tập đoàn.

Về tự động hoá (TĐH), TKV sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống TĐH giám sát, điều khiển cục bộ tại hầu hết các đơn vị sản xuất. Đồng thời thí điểm xây dựng một số hệ thống giám sát điều khiển tập trung trung toàn bộ, tích hợp tại các đơn vị và đến năm 2025 sẽ có một số mỏ có thể điều khiển, giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung và giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính mọi lúc, mọi nơi qua internet.

Về tin học hoá (THH), TKV phấn đấu đến năm 2020, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng CNTT toàn tập đoàn TKV (mạng viễn thông công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin tích hợp) có khả năng kết nối với trụ sở các đơn vị thành viên và trung tâm dữ liệu chung của TKV. Ngoài ra, TKV cũng sẽ triển khai các phân hệ cơ bản của hệ thống ERP (Enterprise resource planning systems) – hệ thống quản lý đa chức năng, đa phòng ban để thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh, bao gồm lập kế hoạch về sản phẩm, chi phí, sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, tiếp thị và bán hàng, giao hàng và thanh toán... tiến tới xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý khai thác mỏ từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên.

Đánh giá cao kết quả đã đạt được trong công tác đầu tư ĐM-HĐHCN và cơ bản đồng tình với những định hướng lớn trong đổi mới công nghệ của TKV, tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý, do nguồn lực tài chính hạn hẹp nên kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ ĐM-HĐHCN của ngành công nghiệp khai khoáng. Tỉ lệ các doanh nghiệp công nghệ hiện đại gắn với cơ giới hóa, tự động hóa trong giám sát, điều khiển, quản lý còn hạn chế; nhiều giải pháp KH&CN được nghiên cứu còn chưa có điều kiện áp dụng thử, thử nghiệm hoặc ứng dụng vào thực tiễn… Trong khi đó, yêu cầu tăng sản lượng khai thác, nâng cao chất lượng và mức độ chế biến sâu trong điều kiện tài nguyên ngày càng nghèo và phức tạp, điều kiện khai thác không thuận lợi… sẽ là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành than, khoáng sản.

“Để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản xác định và thực hiện thành công các phương án đổi mới công nghệ phù hợp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Khung chương trình gửi Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia phục vụ ĐM-HĐHCN khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025 theo quy định” – Thứ trưởng Hưng nói và đề nghị, TKV và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành than, khoáng sản xây dựng và thực hiện chương trình, lộ trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ đến năm 2025 phù hợp nội dung của Đề án ĐM-HĐHCN trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xác định, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN phù hợp để tham gia Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia phục vụ ĐM-HĐHCN khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025. Cân đối, bố trí nguồn kinh phí đối ứng phù hợp từ nguồn Quỹ KH&CN của doanh nghiệp để phối hợp thực hiện, ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu trong các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học phối hợp chặt chẽ với TKV và các doanh nghiệp có nhu cầu ĐM-HĐHCN để xác định, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN phù hợp để tham gia Chương trình KH&CN, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình KH&CN và Đề án ĐM-HĐHCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Hoàng Châu - Đức Long
Bài viết cùng chủ đề: Ngành than khoáng sản

Tin cùng chuyên mục

Số hóa trong lĩnh vực công nghiệp - bài toán cho các nhà sản xuất

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Cục Hàng không Mỹ bị chính quyền chỉ trích do liên quan đến giám sát nhà sản xuất máy bay Boeing

TKV: Tổng tài sản tăng 67 lần sau 30 năm hoạt động

TKV: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển xe Hybrid

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc tại Lào về dự án muối mỏ Kali

Nhà máy Alumin Lâm Đồng có nguy cơ dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào

Chiến lược phát triển ngành thép: Tầm nhìn mới cho ngành công nghiệp trọng điểm

Bộ Công Thương đặt mục tiêu sản xuất hộp số, động cơ cho ô tô tại Việt Nam

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8

Chính thức giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước từ tháng 9

Giải bài toán giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp điện tử

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Hóa chất Việt Nam

TKV khẳng định vị thế một trong 3 trụ cột năng lượng quốc gia

Tính đúng, đủ để có giá bán điện hợp lý, tạo động lực thu hút đầu tư

Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc