Thứ sáu 22/11/2024 02:39

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vai trò đối với người dân, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Để nâng mức bao phủ BHYT trên địa bàn theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT là một trong những chỉ tiêu thuộc tiêu chí y tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo quy định, để được công nhận xã NTM nâng cao thì phải đảm bảo các tiêu chí, trong đó có tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn đạt hơn 95%. Vì vậy, để hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội... các xã NTM của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực giữ vững và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn.

Cùng với các chính sách của Nhà nước, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng như: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo, người được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; hỗ trợ 85% mức đóng BHXH tự nguyện và BHYT cho đối tượng Công an viên; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cao tuổi từ đủ 65 đến dưới 80 tuổi (sớm hơn 15 tuổi so với toàn quốc)…

Trong những năm qua, số thu và số người tham gia BHXH, BHYT của địa phương ngày càng tăng cao; việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT luôn kịp thời, tạo thuận lợi cho người tham gia. Việc giải quyết và chi trả các chế độ luôn đảm bảo chính xác, minh bạch, khách quan; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT được nâng cao, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT... Mới đây, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH tỉnh Bắc Ninh đã tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng đưa chính sách này tới người lao động và người sử dụng lao động một cách nhanh nhất.

Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH và BHYT

Vĩnh Phúc là một trong những địa phương tiên phong triển khai cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Theo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT như hỗ trợ 30% kinh phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (70%) để đảm bảo 100% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp miễn phí thẻ BHYT; hỗ trợ 20% kinh phí cho người thứ nhất trong hộ gia đình tham gia BHYT và học sinh, sinh viên; hỗ trợ 30% kinh phí cho người từ 60 đến dưới 70 tuổi, 50% kinh phí cho người từ 70 đến dưới 80 tuổi tham gia BHYT…

Đơn cử, đặt mục tiêu được công nhận xã NTM nâng cao vào năm 2023, xã Ngọc Thanh, TP. Phúc Yên đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong đó có chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Các chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT của tỉnh trong thời gian qua đã tạo “đòn bẩy”, giúp địa phương đẩy nhanh lộ trình bao phủ BHYT. Nếu như trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Ngọc Thanh chỉ có hơn 60% người dân tham gia BHYT thì đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn là 87,3% (với hơn 11.800 người). Để giữ vững và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh khi tham gia BHYT....

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho ngành y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở; chỉ đạo ngành y tế nâng cao chất lượng KCB, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng như thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ; củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý thu BHYT; phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt công tác KCB BHYT và quản lý nguồn quỹ BHYT; thực hiện giám định chi phí KCB chặt chẽ; làm tốt công tác đấu thầu thuốc... đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn đã được mở rộng. Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có gần 1,1 triệu người tham gia BHYT, đạt 92,6% dân số.

Chia sẻ về những giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, nhiều địa phương cho biết, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn nhiều xã còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức, hiểu biết của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, thu nhập của một số hộ dân còn thấp, bấp bênh nên không có điều kiện tham gia BHYT; một số người có tâm lý e ngại khi đi KCB BHYT sẽ mất nhiều thời gian…

Nắm bắt được tình hình thực tế, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền; chỉ đạo đại lý thu BHYT trên địa bàn hoạt động có trách nhiệm, nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia BHYT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB tại trạm y tế xã; triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh cho người tham gia BHYT… Cùng với đó, các địa phương cần xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là nhiệm vụ trọng tâm; vận động mọi nguồn lực tạo điều kiện sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tạo nền tảng về kinh tế để người dân có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình.

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, BHXH Việt Nam xác định rõ các mục tiêu bảo đảm quyền lợi người dân, phấn đấu mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian tới, ngành bảo hiểm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH; chú trọng thực hiện tốt các chế độ cho người tham gia BHYT, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa để họ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thanh Vân
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An yêu cầu các đơn vị giải quyết hồ sơ cho F0 tại nhà hưởng BHXH

Trao tặng hơn 12 nghìn sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Dấu ấn 27 năm xây dựng và phát triển

Ngành bảo hiểm xã hội mang Tết ấm đến với người nghèo

Phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho các hộ nghèo

Ngành bảo hiểm xã hội: Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ năm 2022

Sẽ có trên 2,9 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp

Dấu ấn ngành bảo hiểm xã hội năm 2021

Nghị quyết 21-NQ/TW: Khẳng định vai trò trụ cột an sinh của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2022 cho người thuộc diện chính sách

Bao phủ bảo hiểm y tế học sinh sinh viên đạt 95,4%

Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ký hiệp định về bảo hiểm xã hội song phương

Nghệ An: Hơn 172.000 lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Nghệ An: Gia tăng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Tăng cường cảnh báo tin nhắn lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Hội nghị ASSA: Đảm bảo an sinh trong đại dịch Covid-19

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Lưu ý hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội