Đẩy mạnh khuyến công: “Đòn bẩy” phát triển công nghiệp nông thôn Đắk Lắk
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Thời gian qua, thông qua các chương trình khuyến công của tỉnh đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản trị, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp làm cho phát thải ít, sử dụng nguyên liệu ít, tiêu thụ nhiên liệu ít, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn theo hướng phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, công tác khuyến công hiện nay cũng được đánh giá còn có những hạn chế: Số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với số lượng, tình hình hoạt động công nghiệp nông thôn; còn nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ; chưa có các đề án khuyến công mang tính liên tỉnh, liên vùng, có tính lan tỏa cao; kinh phí bố trí cho công tác khuyến công còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công chưa huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước...
Thông qua các chương trình khuyến công của tỉnh đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản trị, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường |
Với việc ban hành Quyết định số 22/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tổ chức thực hiện và quản lý sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tạo thêm nhiều cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để phát triển. Cụ thể như chi phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tăng từ 400 triệu đồng/mô hình lên 800 triệu đồng/mô hình; chi phí hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 180 triệu đồng/cơ sở lên 270 triệu đồng/cơ sở… điều này đã thu hút thêm nhiều nguồn vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp của tỉnh đề ra mục tiêu là sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm sản và cơ khí phục vụ nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, sở sẽ khuyến khích, chú trọng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên, nhiên, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
“Sở cũng sẽ ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên các chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới góp phần khai thác tốt tiềm năng của địa phương”, ông Lưu Văn Khôi nhấn mạnh.