Thứ bảy 28/12/2024 01:22

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm và xây dựng ngành hóa chất của chúng ta mang tính hiện đại hơn.

Cần thiết phát triển công nghiệp hóa chất

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nhận thấy cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi), bởi luật này rất quan trọng. Trong thời gian qua, hóa chất phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế, đồng thời, hóa chất cũng phục vụ trong y học, nghiên cứu, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, hóa chất cũng mang đến độc hại cho người dân sử dụng, nếu chúng ta quản lý không kỹ và người dân sử dụng không rõ, không hay biết thì kẻ gian hay những doanh nghiệp hám lợi, họ lợi dụng những hóa chất độc hại đưa vào những sản phẩm, thức ăn cũng rất nguy hiểm.

"Vì vậy, việc ban hành Luật Hóa chất để hạn chế, sửa đổi những bất cập này, phát huy giá trị của hóa chất để phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng, an ninh, tôi nghĩ rất cần thiết" - đại biểu nhấn mạnh.

Đối với việc quản lý hóa chất nguy hiểm ở trong sản phẩm, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay, đây là vấn đề người dân rất quan tâm. Hiện nay, những sản phẩm công nghiệp, thực phẩm có chứa hóa chất thì người dân băn khoăn những loại hóa chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không. Đối với loại hóa chất đặc biệt trong thực phẩm sử dụng hàng ngày cũng rất lớn. Cho nên việc quản lý nhà nước về hóa chất độc hại này cần có sự quan tâm.

Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm và xây dựng ngành hóa chất của chúng ta mang tính hiện đại hơn, nhưng đối với những loại hóa chất độc hại nguy hiểm thì không nên cho phép xây dựng ở những khu dân cư, khu đô thị mà có thể đưa về những vùng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bởi nếu có xảy ra sự cố thì không ảnh hưởng đến sinh hoạt, tính mạng, sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, trong đào tạo ngành nghề đối với lĩnh vực hóa chất cần phải có những chuyên gia đầu ngành, có những người am hiểu về lĩnh vực hóa chất giỏi để quản lý được ngành này và chế biến ra những loại này để đảm bảo phục vụ cho lợi ích quốc gia, cộng cộng là rất cần thiết. Vì vậy, đại biểu đồng tình trong dự thảo nêu vấn đề đào tạo đối với những chuyên gia, kỹ sư hóa giỏi ngành nghề có thể đưa đi đào tạo nước ngoài để về áp dụng tại Việt Nam.

Về phát triển công nghiệp hóa chất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, để phát triển công nghiệp hóa chất phải nghiên cứu một cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển. Không thể nào Việt Nam không có công nghiệp hóa chất được. Tại vì chúng ta đã xác định là có lợi và cũng có hại, cho nên trong phát triển ngành nghề này cần thiết có những điều kiện và mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, có những ngành nghề như phân bón, hóa dầu, hóa chất, tất cả những loại này có những loại hóa chất có lợi nhưng có những loại hóa chất độc hại, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên trong quản lý và trong đầu tư cũng phải có sự cân nhắc. "Tất nhiên, lĩnh vực nào chúng ta cũng phải làm nhưng phải có sự cân nhắc để mang lại hiệu quả kinh tế để không ảnh hưởng đến sức khỏe cho người dân" - ông Hòa nói.

Về chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, đại biểu đề nghị nên đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Trung ương cũng như địa phương là xây dựng ngành hóa chất của chúng ta cho hiện đại.

"Trong báo cáo thẩm tra nói nếu của địa phương, ngành này do ai quyết định, Hội đồng nhân dân quyết định hay do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Tôi đề nghị nên có rành mạch, rõ ràng, theo tôi đề nghị giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, không phải nhất thiết điều gì cũng đều thông qua Hội đồng nhân dân để ban hành nghị quyết" - đại biểu lưu ý.

Ngoài ra, về việc vận chuyển hóa chất, thực tiễn thời gian qua đã có những trường hợp vận chuyển hóa chất không đi những loại xe chuyên dùng, mà nhập hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc đi trên xe chung với con người. Do đó, đại biểu cũng đề nghị trong chuyện vận chuyển hóa chất cần có kiểm tra, quản lý chặt chẽ, bởi nếu có sự cố xảy ra trên xe gây nổ sẽ hết sức nguy hiểm.

Tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của hóa chất

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn Thái Bình thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Do Luật hiện hành có thời gian hiệu lực và thực thi kéo dài đã 17 năm và có một lần sửa đổi bổ sung 2018 nhưng trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hóa chất và đặc biệt các pháp luật liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các công ước, điều ước mới về quản lý hóa chất mà Việt Nam đã tham gia nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định cho phù hợp với các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện.

Về bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với phát triển công nghiệp hóa chất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nội dung hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm. Vì theo quy định tại khoản 30 Điều 4 về giải thích từ ngữ hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa là hóa chất nguy hiểm tồn tại trong sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây hại cho con người, sinh vật, tài sản và môi trường.

Vì vậy, nếu phạm vi điều chỉnh quy định chung về hoạt động hóa chất thì đã bao hàm đầy đủ cả các loại hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, cho nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định trong quản lý hóa chất nguy hiểm có sản phẩm hàng hóa tại Chương V.

Về nội dung liên quan đến quy định về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm, đại biểu đề nghị cần rà soát, xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, sử dụng sẽ có nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe của con người, nếu để xảy ra sự cố.

Theo đại biểu, Luật Hóa chất năm 2007 cũng như Nghị định 113 của Chính phủ mặc dù đã có những quy định về việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng chất xyanua. Chất xyanua và hợp chất chứa xyanua thì được sử dụng trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng, nhựa, mạ điện và các khai thác mỏ vàng bạc.

Dẫn chứng thời gian qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất xyanua, đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị cần rà soát, đánh giá tất cả các loại hóa chất, hỗn hợp chất để đưa vào danh mục hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm và cần có những quy định chặt chẽ trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bảo quản, sử dụng và các điều kiện doanh nghiệp được nhập khẩu.

Trong dự thảo luật thì việc sử dụng hóa chất đã quy định tại Điều 21 quy định về sử dụng hóa chất nói chung và Điều 29 có quy định về sử dụng hóa chất có điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 21 và với các loại hóa chất khác như hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm hay các danh mục hóa chất nguy hiểm thì chúng ta đều có những quy định và điều khoản quy định về sử dụng hóa chất.

Song giữa hóa chất chung và các điều kiện của các loại hóa chất thì có mức độ sử dụng khác nhau. Đối với hóa chất có điều kiện, đại biểu cho rằng, cần có những điều khoản ràng buộc thêm để bảo đảm tính an toàn.

"Tôi đề nghị bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường thêm về quản lý, sử dụng hóa chất, tăng cường thêm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo dõi toàn bộ quá trình sử dụng, vận chuyển hóa chất và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết đối với tất cả các loại hóa chất mới trước khi đưa vào sử dụng" - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý do rủi ro tương ứng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro và tăng cường thêm chế tài xử phạt đối với vi phạm quy định về hóa chất, áp dụng mức phạt cao nhất đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Không 'đẽo cày giữa đường' khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tái cơ cấu, tạo 'sức sống mới' cho ngân hàng VDB

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư

Bộ Công an: Gương mẫu đi đầu, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an các cấp

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Thủ tướng: Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc