Đâu là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nửa đầu năm 2024?
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nửa đầu năm 2024 bao gồm điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất |
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32.911 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm điện thoại và linh kiện đạt 27.202 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22.932 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; dệt may đạt 16.282 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 10.840 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7.424 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.
Đối với mặt hàng điện thoại và linh kiện, hiện Việt Nam đang trở thành cơ sở sản xuất quan trọng cho ngành sản xuất điện tử toàn cầu. Lấy Apple làm ví dụ, từ năm 2019, công ty đã bắt đầu lắp ráp và sản xuất AirPods tại Việt Nam. Sau đó, vào năm 2020, các nguồn tin cho biết Apple đã yêu cầu nhà máy lắp ráp chính Foxconn chuyển một phần hoạt động lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam.
Năm 2021, Foxconn thành lập cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Ngoài ra, Luxshare Precision và Goertek cũng đã đặt các nhà máy tại Việt Nam.
Trong khi đó, Apple cũng đang mở rộng mạnh mẽ hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ và đang tăng tỷ lệ iPhone sản xuất tại Ấn Độ.
Trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nêu trên đã đóng góp đến trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.