Mạng xã hội gần đây lan truyền một đoạn clip về buổi đào tạo với dòng trạng thái: “Cả hội trường khóc nấc khi những thành viên thiếu nỗ lực, thiếu KPI bị siêu chủ tịch búng dây thun”. Trong đoạn video, một số phụ nữ ăn mặc lịch sự, sang trọng đứng trên sân khấu, trong đó, một người liên tục kéo căng dây thun và bật mạnh vào cổ tay hai người đối diện.
Mạng xã hội gần đây lan truyền một đoạn clip về buổi đào tạo trong đó "chủ tịch" bắn dây thun vào tay học viên "không nỗ lực" đến khóc ngất. - Ảnh: MXH |
Người thực hiện hành động vừa lớn tiếng chất vấn lý do vì sao nhóm đối phương “không trung thực”. Một trong hai phụ nữ chịu thử thách liên tục bị phê phán “không xứng đáng làm người đứng đầu” rồi “thiếu nỗ lực”. Những cú búng dây thun mạnh khiến cổ tay hai cô gái đỏ ửng và sưng tấy, gương mặt lộ rõ vẻ đau đớn. Thậm chí, một người trong số đó đã gục xuống và khóc nức nở.
Sau màn thử thách, cả ba ôm nhau an ủi và cùng bật khóc. Nhiều người trong hội trường không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng này.
Đoạn clip sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng gây tranh cãi. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, khó hiểu trước phương pháp “đào tạo” kỳ lạ này. Phần đông cộng đồng mạng lên án gay gắt, cho rằng hành động này bạo lực, nguy hiểm và cần phải chấm dứt.
Nhiều người cho rằng đây là một hình thức “đào tạo” phản giáo dục, phản khoa học.
Trước tiên, cần phải nhìn nhận rằng bất kỳ hành vi nào gây tổn thương thể chất đều không thể được coi là phương thức giáo dục, đào tạo. Sử dụng dây thun để búng mạnh vào cổ tay nhân viên không chỉ gây đau đớn, mà còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tham gia.
Vùng cổ tay vốn là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu và gân, rất dễ bị tổn thương. Bắn dây thun vào tay nhân viên không hoàn thành mục tiêu đề ra cho cảm giác như quay lại kiểu sát phạt thời Trung cổ, nơi mà bạo hành là hình thức xã hội từng coi là trò tiêu khiển. Xã hội loài người đã phát triển rất xa thời Trung cổ và không thể biện minh dưới bất kỳ lý do nào với hình thức đào tạo trên, dù là tạo động lực hay thể hiện sự răn đe nhân viên.
Ngoài ra, hạ nhục nhân viên công khai trước đám đông, rồi quát nạt họ là "không nỗ lực", "không xứng đáng" là một hình thức thao túng tâm lý tinh vi. Điều này không chỉ làm tổn thương đến lòng tự trọng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần làm việc lâu dài. Đặc biệt, khi những hành vi này được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, các nhân vật chính trong clip đều phơi bày trước “bàn dân thiên hạ”.
Bạo hành nhân viên cấp dưới trong clip không chỉ vi phạm nguyên tắc sơ đẳng nhất trong văn hoá ứng xử trong doanh nghiệp mà còn phản ánh sự thiếu hiểu biết, “dẫm đạp” lên nhân phẩm của người khác.
Nhưng vấn đề là, tại sao các học viên lại phải chịu đựng tất cả những thứ đó? Câu trả lời có lẽ do khát khao làm giàu, khát khao chứng minh bản thân đến điên cuồng.
Xã hội hiện nay, nhiều người trẻ mang trong mình khát vọng thay đổi cuộc sống, vươn tới thành công và đỉnh cao tiền bạc. Thế nhưng, sự nỗ lực để tiến lên không có nghĩa là bỏ qua những giá trị đạo đức và nhân văn cơ bản.
Những lớp đào tạo “thành công nhanh” xuất hiện ngày càng nhiều, đánh vào tâm lý khát khao làm giàu một cách cấp tốc của nhiều người, từ đó đẩy họ vào tình thế sẵn sàng chấp nhận những hành vi trái với nguyên tắc xã hội để đạt được mục tiêu. Chính sự mù quáng trong việc đạt thành tích, chứng minh bản thân và tích luỹ tài sản đã khiến họ bất chấp tất cả, kể cả danh dự và lòng tự trọng.
Khát khao làm giàu là chính đáng, nhưng mọi thứ đều cần có quá trình tích luỹ. Làm giàu nhanh, làm giàu vội, làm giàu bất chấp nếu không bị xã hội lên án thì sớm muộn cũng sẽ bị luật pháp “hỏi thăm”.