Đảng bộ Bộ Công Thương: Chủ động đổi mới - Quyết liệt hành động - Coi trọng hiệu quả
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới có những yếu tố tác động theo chiều hướng thuận lợi; nhiều yếu tố tích cực, hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và liên khu vực tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại giữa một số nền kinh tế lớn gia tăng; tình hình khu vực và trên Biển Đông diễn biến phức tạp.
Trong nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường và điều kiện kinh doanh tiếp tục đựợc cải thiện; bảo đảm an sinh, xã hội; nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước đạt nhiều thành công, tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng.
Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Dưới sự lãnh đạo điều hành chung sâu sát, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã lãnh đạo toàn ngành Công Thương đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần vào thành công chung của kinh tế cả nước, tạo tiền đề tích cực cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng ghi nhận sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương, vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả khả quan với những thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, Bộ Công Thương hoạt động theo Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, trong đó thực hiện chức năng quản lý đất nước về công nghiệp và thương mại. Bộ Công Thương hiện có 26 đơn vị tham mưu quản lý nhà nước; 50 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; 9 doanh nghiệp do Bộ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2015 xuống còn 30 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021; số lượng phòng giảm từ 197 xuống còn 123 phòng.
Thứ hai, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW gắn với tái cơ cấu ngành Công Thương.
Thứ ba, Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao của toàn ngành, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD. Việt Nam đạt được nhiều thành công quan trọng trong thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực và Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết và sắp có hiệu lực. Công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường. Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN; chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện; nước ta thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA; quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực; phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW.
Tạo bước phát triển mới
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ Công Thương xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển ngành Công Thương, đồng thời phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đạt được trong năm vừa qua để tạo bước phát triển mới.
Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thắng lợi việc tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ hai, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục đổi mới cả hình thức và nội dung; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, tạo sự ổn định về tư tưởng chính trị và đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu ngành Công Thương; tiếp tục tạo nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao.
Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, tác phong làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, chất lượng, hiệu quả trong phối hợp giữa cấp ủy với chính quyền đồng cấp; lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực lao động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng cống hiến và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và chính quyền; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới của ngành Công Thương.
Với phương châm “Chủ động đổi mới - Quyết liệt hành động - Coi trọng hiệu quả”, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng của cán bộ, đảng viên Bộ Công Thương. |