Thời gian gần đây, nổi lên hiện tượng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như: Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia trên thu hút sự chú ý của người dùng với chính sách khuyến mại và thời gian vận chuyển nhanh.
Tuy nhiên, hiện nay Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động theo yêu cầu của Bộ Công Thương, chưa có quy định để bảo vệ người tiêu dùng, việc khuyến mại trên 50% không đúng quy định pháp luật Việt Nam, chưa tuân thủ quy định về thuế, cạnh tranh, bán hàng đa cấp.
“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động làm việc với đội ngũ Temu. Hiện nay họ đã có sự phối hợp, ủy quyền cho Công ty Luật để làm việc. Bộ Công Thương đã yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Nếu nền tảng này không phối hợp, không thực hiện việc đăng ký theo quy định thì sẽ trao đổi với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thống tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn”, bà Oanh nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Tân cũng đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, giám sát, xử lý các kho hàng tập kết trên biên giới để đảm bảo chất lượng hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký.
Temu dù đã có website thương mại điện tử, ứng dụng ngôn ngữ tiếng Việt nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương. (Ảnh: Fortune) |
Bên cạnh đó, bà Oanh còn cho biết, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tại quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng; Sửa quy định về hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử như cơ chế phân loại rõ luồng nào là hàng hóa thông thương, luồng nào là hàng hóa thương mại điện tử. Đồng thời, đề xuất tăng cường giám sát việc hàng hóa nhập khẩu.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo tới người tiêu dùng việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro.
Trong đó, Bộ Công Thương cho biết các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn.
Khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.
Đặc biệt, hàng hóa mua từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.