Đắk Lắk: Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP
Chủ động tìm hướng đi mới
Trong những năm qua, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã có những hướng đi mới lạ cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà. Đồng thời thành công trong việc xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Nhiều hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ và sản xuất, nâng cao giá trị và thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP địa phương |
Điển hình, chế biến ca cao là một ngành nông nghiệp mới tại tỉnh Đắk Lắk, nơi hệ sinh thái phù hợp với điều kiện phát triển của cây ca cao, hình thành nên vùng nguyên liệu đặc trưng. Theo đó, các hộ dân tại huyện Krông Ana tập trung chú trọng vào việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn UTZ thông qua liên kết với các hợp tác xã (HTX).
Tiên phong trong việc đầu tư nghiên cứu kỹ thuật và máy móc chế biến hạt ca cao, ông Trương Ngọc Quang - (đại diện Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, xã Ea Na, huyện Krông Ana) - cho biết, Đắk Lắk là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng giống ca cao lai, đem lại chất lượng cao, tạo ra hương vị đặc trưng riêng so với các vùng khác. Đặc biệt, ca cao trồng tại Đắk Lắk còn được đánh giá nằm trong nhóm 10% loại hạt hương vị trên toàn thế giới.
Từ nguyên liệu nông sản địa phương, hiện nay ông Quang đang cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao như: ca cao bột; bơ, bánh, chocolate ca cao… thành công chinh phục được những khách hàng tại các thị trường trọng điểm trên thế giới như Nhật Bản; Canada... “Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng với các yêu cầu khắt khe của thị trường, công ty đã xây dựng đề tài nghiên cứu và thuê các chuyên gia nước ngoài chuyên về sản xuất ca cao để hoàn thiện quy trình chế biến loại sản phẩm mới này”, ông Quang cho biết.
Ngoài nông sản, ngành chăn nuôi cũng là một ngành kinh tế truyền thống, mũi nhọn của người dân tỉnh Đắk Lắk. Vào năm 2018, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1984, xã Ea Barm, huyện Buôn Đôn) đã phát hiện ra sản phẩm sữa dê chưa được quan tâm phát triển tại Việt Nam. Anh Hải đã quyết định khởi nghiệp từ loại sản phẩm mới này. Sau nhiều năm cố gắng, hiện anh Hải đã thành công sản xuất được sản phẩm sữa dê thanh trùng, được kiểm nghiệm và đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm từ sữa dê, anh Hải đã chế biến các mặt hàng như bánh, sữa chua… Hiện các sản phẩm sữa dê và chế biến từ sữa dê đang được anh Hải phân phối rộng khắp trong cả nước. Nhằm phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con địa phương, anh Hải đang xây dựng hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, với việc trồng cánh đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, liên kết bà con nông dân hình thành vùng chăn nuôi đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài các sản phẩm ca cao và sữa dê, nhiều sản phẩm OCOP khác của tỉnh Đắk Lắk đã và đang thành công trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy xu thế thị trường ưu tiên các sản phẩm OCOP.
Việc thành lập điểm bán hàng, giới thiệu OCOP sẽ là cầu nối quan trọng để thúc đẩy và liên kết doanh nghiệp |
Hỗ trợ nâng tầm OCOP địa phương
Sau nhiều năm phát triển, chương trình OCOP trên địa bàn Đắk Lắk đã có 46 sản phẩm được gắn sao cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đồng thời xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, ca cao, cà phê… Đây là một bước lớn trong hành trình đưa nông sản từ vùng núi Tây Nguyên đi rộng khắp cả nước, xa hơn là xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk còn phát triển kinh tế theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, có lợi thế tại địa phương nhằm mục đích phát triển kinh tế nội sinh và gia tăng giá trị.
Cuối năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đã cho ra đời Hợp tác xã (HTX) OCOP Đắk Lắk, trở thành điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh nhà, là cầu nối giao thương với thị trường. Hiện điểm bán hàng của HTX đang trưng bày hơn 50 sản phẩm từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, cung cấp các sản phẩm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do chính địa phương tạo ra đến với người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, việc thành lập HTX OCOP Đắk Lắk sẽ thúc đẩy hoạt động liên kết doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; tuyên truyền và khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng tiêu dùng chất lượng cao.
“Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp và đối tác mở thêm các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua được những sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú đạt chất lượng tốt trong cả nước”, ông Dương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp song hành, mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch cũng như gia tăng thu nhập của người nhà nông, kết nối và phát triển tuyến du lịch trọng điểm nội tỉnh (Buôn Ma Thuột - Krông Ana - Lắk). Tại điểm du lịch trang trại ca cao tại thôn Tân Tiến (xã Ea Na, huyện Krông Ana), du khách có thể tìm hiểu trọn vẹn về quy trình trồng, chăm sóc cacao, trải nghiệm các hoạt động chế biến, sản xuất và mua sắm các sản phẩm làm từ cacao.