Đại gia dệt may thoái vốn, đứt duyên "mẹ con" với công ty bất động sản
Trong cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) diễn ra giữa tháng 3/2024, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã bước vào tình trạng khó khăn, khốn đốn từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài đến hôm nay.
Cụ thể, nhiều dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (phải tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn). Sức mua và thanh khoản giảm mạnh.
Dự án Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại TP. Phổ Yên. (Ảnh: Thainguyen.gov.vn) |
Nguồn cung cho thị trường khá hạn chế tuy nhiên giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, ảnh hưởng đến an sinh và an ninh, trật tự xã hội....
Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Giữa bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, giảm lương, chờ đợi tín hiệu tích cực hơn trong tương lai.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) - một đại gia ngành may mặc vừa thông báo giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần TNG Land từ 51,7% xuống còn 48,81%, tương ứng phần vốn góp 140 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, trụ cột phụ trách mảng bất động sản TNG Land sẽ không còn là công ty con của Đầu tư và Thương mại TNG.
Được biết, đầu tháng 4 vừa qua, TNG Land đã chính thức khởi công dự án Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng. Dự án này có tổng diện tích 11,08 ha, với tệp sản phẩm gồm: Shophouse, đất nền, nhà ở xã hội (nhà ở liền kề và căn hộ chung cư). Dự án dự kiến sẽ đi vào khai thác trong quý IV/2025.
Đặc biệt, sau khi dứt duyên "mẹ con" với TNG Land, TNG chính thức trở thành doanh nghiệp không có công ty con. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2023, ngoài TNG Land, TNG còn có công ty con khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái (sở hữu 70,5%, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện) và một công ty liên kết là Công ty TNHH Golf Yên Bình TNG (sở hữu 49%, kinh doanh sân golf).
Trong đó, Bắc Thái đã tạm dừng hoạt động và đang trong quá trình làm thủ tục giải thể. Còn Golf Yên Bình TNG có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh nghiệp thành lập từ năm 2019 này đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Nghị quyết HĐQT TNG tháng 1/2024 đã thông qua việc giải thể Công ty Golf Yên Bình TNG.
Được biết. TNG Land được thành lập từ tháng 6/2022 với các hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng và phát triển bất động sản. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Dệt may TNG cũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT TNG Land. Tính đến ngày 16/5, vốn điều lệ của TNG Land đạt 287 tỷ đồng.
Năm 2024, TNG đặt kế hoạch doanh thu 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,35% và 41,27% so với thực hiện năm 2023. Năm ngoái, doanh thu hợp nhất của TNG đạt hơn 7.095 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 219 tỷ đồng, là mức doanh thu cao nhất của doanh nghiệp dệt may này.
Hết ba tháng đầu năm 2024, TNG công bố mang về doanh thu gần 1.354 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ; trong khi lãi sau thuế gần 42 tỷ đồng, giảm 4%. Ban lãnh đạo cho biết, kết quả khiêm tốn là bởi ảnh hưởng từ việc đơn hàng nhận năm 2023 đơn giá thấp hơn, cùng đó số ngày làm việc của quý I/2024 cũng ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, họ vẫn tự tin sẽ hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra cho năm nay.