Đại biểu Quốc hội nêu 7 nhóm giải pháp để kinh tế bứt phá những tháng cuối năm
Động lực tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực nào?
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Lê Thanh Vân - đoàn Cà Mau phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - đoàn Cà Mau cho biết, năm 2023, tác động từ bên ngoài và vấn đề nội tại của chúng ta chưa khắc phục triệt để, nên ngay từ đầu năm, nền kinh tế chúng ta đã gặp nhiều khó khăn. Điều này không phải bất ngờ, chúng ta lường trước từ khi bàn về kịch bản phát triển của năm 2023.
Do đó, đánh giá tình hình kinh tế năm 2023 và 6 tháng đầu năm phải có cách nhìn khách quan, đánh giá phải nhìn nhận tác động cả bên ngoài, bên trong. Tác động mạnh từ bên ngoài làm cho bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam ảm đạm.
Ông Lê Thanh Vân dẫn ví dụ, chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Đây là con số đáng buồn. Động lực phát triển công nghiệp phía Nam, cực tăng trưởng là Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên đang có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Trước những tác động bên trong, bên ngoài như vậy, cần phải có những giải pháp tích cực. Trước hết phải xem xét nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân được đại biểu nêu là tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, trong khi động lực tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực: Đầu tư công, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài hiện nay đang là vấn đề lớn khi chúng ta đang đối mặt luật chơi mới của Tổ chức OECD, đó là thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu chúng ta không thích ứng thì hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Vì vậy, cần bắt tay ngay sửa đổi các đạo luật liên quan đến đầu tư, trước mắt là ban hành Luật thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nếu có giải pháp thích hợp, đồng bộ thì quý II, III, IV chúng ta có thể bứt phá. Theo đó, đại biểu Lê Thanh Vân nêu 7 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm VAT.
Thứ hai, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.
Thứ ba, giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp startup cần nuôi dưỡng.
Thứ tư, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.
Thứ năm, cải cách thể chế, phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là đột phá. Có 3 đột phá mà cải cách thể chế phải hướng tới là phải đột phá vào thể chế tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế trong đó chế độ sở hữu là quan trọng, thể chế văn hóa.
Thứ sáu, chỉnh đốn nội vụ cán bộ, nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Thứ bảy, tăng lương, cơ cấu lại tiền lương bằng tinh giảm biên chế.
Cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT
Phát biểu thảo luận tổ sáng 25/5, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội đánh giá, kết quả thu ngân sách năm 2021 và 2022 đều tăng khá cao so với dự toán cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên họp |
Báo cáo chỉ rõ thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán có nguyên nhân là tăng nguồn thu từ dầu thô và nhà, đất, có ý kiến cho rằng sự tăng thu này không bền vững. Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, việc phấn đấu tăng được nguồn thu ngân sách là kết quả đáng ghi nhận.
Bày tỏ đồng tình với chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
Cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian 6 tháng là hơi ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm, đại biểu Cường đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”.
Đại biểu lấy dẫn chứng chính sách về giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, nhưng đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.
Về chính sách bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đại biểu Cường bày tỏ quan điểm nhất trí, cho rằng Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, hiện phủ sóng khá rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
“Có đến 70% phần vốn Agribank cho vay là đối tượng nông dân, nông thôn; trong tổng dư nợ của nhóm đối tượng này, 50% là vay từ Agribank, còn lại từ các tổ chức tín dụng khác” - đại biểu dẫn số liệu báo cáo.
Nhưng hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank không chỉ giúp bản thân ngân hàng mà còn là tăng nguồn lực để hỗ trợ cho các đối tượng hưởng thụ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đề cập vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Cường Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay nhiều khu vực của nền kinh tế có tình trạng đóng băng, không hành động. Nhiều cán bộ quản lý trong khối hành chính, thực thi công vụ không dám mạnh dạn giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Một bộ phận cán bộ quản lý có tâm lý e ngại, né tránh. Đây là một trong những nút thắt khiến hoạt động của khu vực hành chính công đang gặp vấn đề, và cần khẩn trương khắc phục.