Đại biểu quốc hội: Làm sao khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút có thể tiếp cận được y tế
Cấp thiết hoàn thiện chính sách y tế
Góp ý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)tại buổi thảo luận tổ chiều 26/5, đại biểu Qốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội- đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh |
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, với những công việc mới, khó, chưa từng có trong tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế đặc biệt quan trọng. Bà Hà cho biết, dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cấp, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế.
“Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân”, bà Hà nhấn mạnh.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 03 cấp (cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp. Riêng đối với cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu cần mở rộng mô hình, không chỉ là các bệnh viện mà có thể xây dựng các Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm xét nghiệm vùng để tập trung đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh bất thường xảy ra. Theo đại biểu, đây cũng là bài học kinh nghiệm chúng ta có thể rút ra từ công tác chống dịch vừa qua.
Về quy định sử dụng ngôn ngữ trong Khám chữa bệnh của người nước ngoài, bà Trần Thị Nhị Hà bày tỏ nhiều băn khoăn, đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết, tuy nhiên quy định phải bảo đảm tính khả thi, an toàn cho người bệnh. Đặc biệt, quy định phải tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, tạo cơ hội để đội ngũ y bác sĩ trong nước được tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.
Bà Hà nhấn mạnh, việc quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải biết tiếng Việt thành thạo cần nghiên cứu được xem xét. Thực tế nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sĩ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam. “Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sĩ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp” – đại biểu Hà nói.
Sớm thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, từ thực tiễn cho thấy, việc sớm thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cần thiết. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân, để khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa, phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Nếu cần, có thể chúng ta xây dựng hẳn một chương trong dự thảo Luật để có quy định cụ thể hơn về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.