Thứ hai 23/12/2024 17:00

Đại biểu Quốc hội: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đủ điều kiện để trình xem xét, thông qua

Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn Hưng Yên thể hiện sự tán thành cao với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ bản tán thành với những nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn Hưng Yên

Hồ sơ dự án luật sửa đổi trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã rất lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia hợp lý của các đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước; thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau vì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.

"Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5" - ông Nguyễn Đại Thắng nhận định.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn dự thảo luật, đại biểu đoàn Hưng Yên tham gia góp ý kiến về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm. Tại khoản 2 Điều 34 dự thảo luật quy định “Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại Điều 202 của luật này thì có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê”.

Quy định đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất là hợp lý và phù hợp với việc bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng; ngăn chặn được việc tài sản có thể bị phát mại nếu thế chấp.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có thể xem xét cho đơn vị sự nghiệp công lập được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê theo hướng quy định chi tiết, điều kiện góp vốn để tạo điều kiện và giảm áp lực về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, thẩm tra

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - đoàn TP. Hà Nội cũng đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra trong một thời gian rất ngắn đã tiếp thu, giải trình khá rõ những vấn đề đặt ra của Luật Đất đai trong Kỳ họp thứ 6 và đến thời điểm này, dự thảo Luật Đất đai cũng đã tương đối hoàn chỉnh và chúng ta có thể thông qua được.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một số điểm cần phải cân nhắc, điều chỉnh để tránh những mâu thuẫn. Cụ thể, theo đại biểu cần phải sửa khoản 27 Điều 79 cho phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 126 và yêu cầu của Nghị quyết 18.

Bởi vì, điểm a khoản 1 Điều 126 quy định: “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất theo dự án được quy định tại khoản 27 Điều 79 của luật này mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”, đồng thời, cũng quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí để quy định các dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu cho phù hợp với tình hình của địa phương.

Đại biểu cho rằng, quy định của điểm a khoản 1 Điều 126 như thế là rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 và cũng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tuy nhiên, khoản 27 Điều 79 quy định là chỉ có dự án thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy nếu thực hiện theo khoản 27 Điều 79 thì rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 thì dự án này không được đấu thầu hay dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu. Theo đó, đại biểu đề nghị sửa khoản 27 Điều 79 là “các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đánh giá rất cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Điều 110 về các dự án hỗ trợ, tái định cư, vì đã thể hiện khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo cho người dân có đất thu hồi có điều kiện chỗ ở và cuộc sống tốt hơn.

“Tôi đánh giá cao và đồng tình với điểm a khoản 2 Điều 110 là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phải đạt tiêu chuẩn là khu nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị - đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tối thiểu, bởi vì có thể có địa phương xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu vực nông thôn cao hơn khu vực nông thôn mới, đạt như khu vực đô thị.

Như vậy, ông Cường đề nghị bổ sung thêm vào đây là hạ tầng kỹ thuật của khu vực tái định cư tối thiểu phải đạt được điều kiện là khu vực nông thôn mới đối với khu vực nông thôn và tối thiểu là khu đô thị đối với khu vực thành thị. Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo tạo điều kiện cho phát triển khu tái định cư tốt hơn.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đồng tình với quy định tại khoản 3 Điều 110 là địa điểm tái định cư lựa chọn phải theo thứ tự ưu tiên, trước hết tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi và sau đó mở rộng đến các địa bàn của quận, huyện, thị xã, thành phố và nếu không có nữa thì mở rộng đến các địa phương khác có điều kiện tương đồng.

Song đại biểu đề nghị cần phải bổ sung thêm một điểm là phải ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn được lựa chọn để hình thành khu tái định cư. Điều này để tránh tình trạng cùng địa bàn xã đó khu đất được quy hoạch đất ở nhưng thuận lợi thì thường nhiều địa phương lại dành để đấu giá, tái định cư đẩy sang một vị trí khác, cũng chung địa bàn nhưng không thuận lợi.

Đây là một bài học, tôi thấy dự án tái định cư đường vành đai 4 của Hà Nội đang lựa chọn địa điểm là khu đất có điều kiện thuận lợi để tái định cư nên người dân rất đồng tình” - đại biểu nêu.

Điểm tiếp theo, ông Hoàng Văn Cường đánh giá cao quy định tại khoản 4 Điều 91 “Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập ổn định đời sống và sản xuất”.

Theo đại biểu, chúng ta không bỏ rơi những người có đất được thu hồi, không mặc kệ họ có việc làm hay không. Phương án tốt nhất để giúp người ta có việc làm là chúng ta phải tạo ra sinh kế chứ không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền. Nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất, kinh doanh thì chúng ta phải bố trí quỹ đất phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh để tạo cơ hội làm việc cho họ. Nếu thu hồi đất nông nghiệp, người dân không có khả năng chuyển đổi vào khu công nghiệp, khu đô thị thì phải dành một quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân.

Như vậy, trong quy định về thu hồi đất, chúng ta phải có một quy định thu hồi đất nhưng sẽ tạo quỹ đất, tạo việc làm. Hiện nay, quy định mới chỉ có thu hồi đất, tạo khu định cư, chưa có khu đất tạo điều kiện xuất, kinh doanh. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 21 của Điều 79 thêm một nội dung là "Thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho người có đất bị thu hồi".

Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Đất đai là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.

Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp (tháng 12/2023 và tháng 01/2024). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế