Đại biểu Nguyễn Duy Thanh: Công bố hợp quy tạo gánh nặng cho người tiêu dùng
Những bất cập trong quy định công bố hợp quy sản phẩm
Sáng 10/5, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), đã thẳng thắn nêu ra những bất cập còn tồn tại trong dự thảo, đặc biệt liên quan đến quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, tinh thần chung cần được quán triệt trong việc sửa đổi luật là giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí sản xuất hướng đến chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức hai con số.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, dự thảo luật vẫn giữ lại một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó nổi bật là quy định yêu cầu doanh nghiệp phải công bố hợp quy đối với hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật. Theo ông, đây là quy định không những không cần thiết mà còn tạo ra chồng chéo, phát sinh thủ tục không cần thiết, làm gia tăng chi phí và cản trở sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Lập luận của ông Thanh dựa trên các chuẩn mực quốc tế như: Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại (TBT), Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của WTO, vốn cho phép các quốc gia xây dựng tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật (quy chuẩn kỹ thuật) để áp dụng làm căn cứ kiểm tra trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trên thế giới yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa ra thị trường như Việt Nam đang làm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu tại nghị trường sáng nay 10/5. Ảnh: Nhà báo & Công luận |
“Việc công bố hợp quy là không có ý nghĩa trong quản lý, gây lãng phí thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo gánh nặng cho người tiêu dùng và đi ngược lại chủ trương ‘chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm’ của Đảng và Nhà nước”, ông Thanh nhấn mạnh. Ông cảnh báo rằng nếu tiếp tục duy trì quy định này, Việt Nam có thể sẽ bị các đối tác quốc tế phản ứng vì tạo ra hàng rào phi thuế quan không phù hợp với nguyên tắc thương mại tự do.
Đề xuất thay đổi cách tiếp cận quản lý chất lượng theo hướng hậu kiểm
Ngoài vấn đề công bố hợp quy, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng chỉ rõ tình trạng cơ quan quản lý quá tập trung vào thủ tục tiền kiểm và công bố hợp quy, mà lơ là khâu hậu kiểm. Điều này không những làm méo mó chức năng quản lý nhà nước mà còn dẫn tới hậu quả trực tiếp với người tiêu dùng, như minh chứng từ các vụ việc sản phẩm kém chất lượng, điển hình là vụ sữa giả gây xôn xao dư luận vừa qua.
Theo vị đại biểu, cần phân loại sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), cách làm đã được áp dụng phổ biến trong các hệ thống quốc tế như: ISO, GMP, HACCP. Đây sẽ là căn cứ khoa học và pháp lý để quy định tần suất, hình thức kiểm tra phù hợp, từ đó giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Thanh cho rằng sự khác biệt về bản chất giữa “công bố hợp quy” và “công bố quy chuẩn áp dụng” cần được luật hóa một cách rõ ràng. Trong đó, việc công bố quy chuẩn áp dụng chỉ đơn thuần là người sản xuất tự công bố sản phẩm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật nhà nước ban hành.
Trong khi đó, công bố hợp quy đòi hỏi phải lấy mẫu sản phẩm, thuê tổ chức chứng nhận, chi trả chi phí thử nghiệm dù kết quả chỉ có giá trị “một lần cho nhiều năm”, không phản ánh thực chất, lại tiềm ẩn nguy cơ gian dối và bỏ lọt sai phạm.
“Tình trạng ‘ném tiền qua cửa sổ’ cho các tổ chức chứng nhận và phòng thử nghiệm phải được chấm dứt. Đây là điểm nghẽn của các điểm nghẽn đang kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thanh khẳng định.
Kết thúc phát biểu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh vai trò nền tảng của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Theo ông, nếu luật không đặt ra được những nguyên tắc quản lý tiến bộ, tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, thì khi triển khai ở các bộ, ngành, địa phương sẽ rơi vào tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh: "Giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm là đòi hỏi sống còn cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh các nước dựng lên hàng rào thuế quan rất cao. Đã đến lúc chúng ta cần một sự thống nhất cao cho phát triển". |