Đại biểu Lê Thanh Vân: Bộ Công Thương nghiêm túc trong trả lời kiến nghị của cử tri
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/10, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phiên họp toàn thể ngày 23/10 tại Hội trường, Nhà Quốc hội (Ảnh:VPQH) |
"Một số kiến nghị của cử tri được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các Bộ, ngành: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…" - ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Trước kết quả trên, chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội với các cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Đoàn Cà Mau cho biết: Ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp trước kỳ họp Quốc hội và được giải quyết trước khi bước vào kỳ họp mới.
Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời bên lề hành lang Quốc hội chiều 23/10 (Ảnh: Thu Hường) |
“Việc báo cáo tình hình ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội lần này có thể nói đây là cơ chế song song, một bên là giám sát theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội- đây là công việc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện. Song song là báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương tâm tư nuyện vọng của nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội”- đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.
Lý giải vấn đề trên, theo đại biểu Lê Thanh Vân, xuất phát cơ sở pháp lý đó là sự ủy quyền của nhân dân, nhân dân trao quyền lực cho Quốc hội thông qua chế độ bầu cử để làm 3 việc: Đặt ra các quy tắc xử sự Hiến pháp, pháp luật; giám sát việc việc tổ chức thực hiện hiến pháp pháp luật; quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, sự ủy nhiệm ấy phải chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân, nhân dân thường xuyên gửi kiến nghị đến Quốc hội thông qua nhiều kênh như: Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; thu thập thông tin từ mặt trận tổ quốc và phải báo cáo Quốc hội, báo cáo công khai trước phiên họp của Quốc hội để nhân dân cả nước biết.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng như các kỳ họp khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 01 báo cáo về tình hình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong báo cáo có 99% đã được xem xét xử lý không đồng nghĩa với việc đã được giải quyết; được giao cho cơ quan nào đó là bước xử lý của cơ quan dân cử, kết quả của nó chưa hẳn đã được giải quyết triệt để.
Vị đại biểu này cũng cho biết, ông đã nhận được rất nhiều đơn thư của nhân dân gửi đến và đã chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương.
“Ở cấp Chính phủ rất nghiêm túc, tôi gửi đơn đến Thủ tướng thì trong vòng một tháng Thủ tướng có hồi âm và chỉ đạo ngay, nhưng ở các bộ, ngành và địa phương thì tình hình khác. Có Bộ thực hiện rất nghiêm túc, Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời như là Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay bộ Tư pháp”- Đại biểu Vân cho biết.
Ông Vân cho biết thêm, cá biệt có những Bộ có chức năng bảo vệ pháp luật, Bộ trưởng người điều hành am hiểu về quy tắc xử sự trong Quốc hội chưa chuẩn, giao cho các cấp dưới, thậm chí là giao cho cấp vụ, cấp phòng trả lời các kiến nghị của nhân dân để cho đại biểu Quốc hội biết. “Thế là sai quy tắc xử sự, cá biệt có nơi “có đi không có về”- ông Vân nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, rất cần có cuộc giám sát tối cao về việc chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội gửi đến. Phải coi việc chấp hành pháp luật trong quy định về giải quyết kiến nghị cử tri là điểm cộng hoặc điểm trừ đối với chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Phải có lộ trình giải quyết, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phân chia ra, cái nào xác đáng về chiến lược thì phải có lộ trình giải quyết, cái nào có tính cấp bách phải đưa vào một nội dung Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. “Đây là công việc Quốc hội phản ánh tính đại diện thực hiện quyền lực nhà nước mà nhân dân trao cho”- đại biểu Vân góp ý.