Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, Đà Nẵng có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Tiềm năng từ năng lượng mặt trời để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và tương lai.
Điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại trường tiểu học Võ Thị Sáu TP. Đà Nẵng |
Tính đến 20/1/2020, Đà Nẵng có 985 khách hàng, trong đó, 140 doanh nghiệp và 845 hộ gia đình, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có đấu nối vào hệ thống điện của PC Đà Nẵng với tổng công suất lắp đặt 6997 kWp, tổng sản lượng phát ngược lên lưới lũy kế là 1.555.492 kWh, tổng số tiền mà ngành điện đã và sẽ thanh toán cho 985 khách hàng là hơn 3 tỷ đồng. Riêng tại trụ sở Công ty và 06 Điện lực trực thuộc cũng đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất cụ thể tại trụ sở Công ty 21,08 kWp (vận hành từ tháng 10/2017); 06 Điện lực mỗi đơn vị 25 kWp vận hành từ cuối tháng 07/2019.
Mặc dù, số lượng khách hàng lắp đặt và công suất lắp đặt chưa cao, tuy nhiên, bước đầu, việc sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện, đặc biệt là chủ động nguồn điện, giúp giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, nhất là vào mùa nắng nóng.
Ông Lê Hồng Cương – Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết năm 2019, sản lượng điện thương phẩm của Đà Nẵng tăng tới 16%, cao nhất trong khối các công ty thành viên của Điện lực miền Trung (EVNCPC). Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao, hiện toàn ngành điện nói chung và điện lực Đà Nẵng nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn để đảm bảo cung cấp điện đủ phục vụ người dân.
Theo ông Cương, điện mặt trời mái nhà đang là xu hướng phát triển được Chính phủ khuyến khích để có nguồn năng lượng bền vững.
Đối với ngành điện, để khuyến khích khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà, ngành điện đã ban hành cơ chế hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều cho khách hàng, thực hiện mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định. Đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới và ký hợp đồng trước 01/07/2019 thì được ưu đãi giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là tiền Việt Nam đồng (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng năm), theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Giá điện 9,35 UScents/kWh có giá trị không đổi trong vòng 20 năm. Đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới từ 01/07/2019, trong khi chờ cơ chế, quyết định mới về giá mua, bán điện mặt trời thay thế quyết định 11 đã hết hiệu lực ngày 30/6/2019, PC Đà Nẵng vẫn tiến hành lắp đặt công tơ 2 chiều, chốt chỉ số mua bán hàng tháng với khách hàng để có cơ sở thanh toán tiền về sau.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết TP. Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái để phát triển bền vững |
Đối với TP. Đà Nẵng, PC Đà Nẵng đã kiến nghị lãnh đạo thành phố văn bản khuyến khích các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị. Ông Cương đề nghị thành phố Đà Nẵng tổ chức lắp đặt, quảng bá và thông tin nhiều hơn về điện mặt trời áp mái để người dân biết đến nhiều hơn loại hình năng lượng sạch này để giúp giảm áp lực cho lưới điện quốc gia và giảm áp lực cung cấp điện cho ngành điện, góp phần phát triển năng lượng và kinh tế bền vững.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, dự kiến sau những năm 2020, cụ thể là sau năm 2022, ngành điện Việt Nam sẽ đối mặt với nguồn cung điện sẽ bị hạn chế, thiếu hụt, phụ tải tăng lên. Do vậy, nội dung rất quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong năm 2020 và những năm tiếp theo đó là tập trung phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời áp mái.
“Hiện thành phố Đà Nẵng đang xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích điện mặt trời áp mái. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với điện lực Đà Nẵng và các sở ngành liên quan cần nhanh chóng xây dựng, tham mưu cho lãnh đạo thành phố sớm bán hành đề án chính sách phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà, các cơ chế chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này”, ông Minh nói.