Đà Nẵng: Nghịch lý doanh nghiệp khó tuyển dụng trong khi người lao động không có việc làm
Doanh nghiệp khó tuyển lao động
Theo ông Huỳnh Nhất Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP VAFI (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), trong những năm qua, từ sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành TP. Đà Nẵng, doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả. Do nhu cầu phát triển công ty, đơn vị đã nhiều lần tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, 6 tháng gần đây doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn tuyển dụng lao động. “Mong Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố có khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong việc tuyển dụng trong thời gian tới", ông Huy kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng cho biết đang gặp khó trong tuyển dụng lao động |
Còn ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, doanh nghiệp nếu tính đến mở rộng sản xuất thêm 4ha thì vấn đề lo lắng là tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự lao động phổ thông. “Công ty tăng công suất sản xuất lên 30% và cần tuyển dụng thêm 300 lao động nhưng trong 6 tháng vừa qua chúng tôi vẫn không thể tuyển đủ người”, ông Phu cho hay.
Ở góc độ là người đã làm công tác nhân sự 19 năm, ông Phu cho rằng, hiện nay đang có sự chuyển dịch lao động ngoại tỉnh và TP. Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiết hụt lực lượng lao động này. “Các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng đang có nhiều chính sách phát triển khu công nghiệp và thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, các lao động ngoại tỉnh lựa chọn làm việc tại địa phương của mình để vừa tiết kiệm chi phí, vừa ở gần nhà”, ông Phu nói.
Ngoài ra, đại diện công ty Daiwa cho rằng qua thực tế công tác tuyển dụng nhân sự cho thấy hiện còn có tình trạng người lao động xin nghỉ việc ở doanh nghiệp nhưng chưa đi tìm việc mới mà chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Nhiều lao động khi được hỏi tại sao nghỉ việc lại chưa đi tìm việc làm thì trả lời là đang ở nhà cho đủ thời gian để lấy bảo hiểm thất nghiệp rồi mới đi xin việc. Đây là thực trạng nhức nhối”, ông Phu nêu ra.
Để tuyển dụng lao động, hiện Daiwa đang áp dụng việc nộp hồ sơn online hay có hỗ trợ tiền xăng xe khi tuyển dụng lao động ở xa. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng.
Ông Phu đề xuất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố nên kết nối cho doanh nghiệp sản xuất kết hợp với các trường học, trung tâm dạy nghề giữa việc cho học viên, sinh viên vừa học vừa kết hợp làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Điều này cũng giúp sinh viên, học viên khi ra trường đã có kỹ năng cần thiết để có thể xin việc và vào làm việc ngay.
Mỗi năm TP. Đà Nẵng có hơn 30.000 người bước vào độ tuổi lao động, hơn 15.000 học viên, sinh viên ra trường |
Cung và cầu lao động lệch pha
Theo ông Trương Ngọc Hùng, Phó phòng Chính sách việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, khó khăn trong tuyển dụng lao động là thực trạng của nhiều doanh nghiệp TP. Đà Nẵng hiện nay.
Lực lượng lao động trên địa bàn Đà Nẵng (từ 15 tuổi trở lên) đang làm việc trong các ngành kinh tế, các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khoảng hơn 633.000 người. Trung bình mỗi năm có 30.000-35.000 người vào độ tuổi lao động và có khoảng 15.000-20.000 học sinh, sinh viên và các học viên học đào tạo nghề ra trường. Đây là nguồn cung lao động dồi dào, phục vụ cho việc sử dụng lao động cho doanh nghiệp.
Trung bình mỗi năm tại trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng) có khoảng 15.000 – 20.000 doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng lao động. Đặc biệt là từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm rất nhiều. Tức là cầu lao động rất lớn.
Nguồn cung và cầu lao động tại TP. Đà Nẵng rất lớn, nhưng thực tế đang lệch pha.
Ông Hùng cho biết, tỷ lệ người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm rất ít, chỉ khoảng 15%. Điều này thể hiện sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, cung và cầu lao động không “gặp nhau” chủ yếu là do người lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, tác phong lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động trẻ Đà Nẵng có xu hướng chuyển dịch từ lao động chính thức tại các doanh nghiệp sang làm việc tự do (freelancer). “Tiền lương bình quân của doanh nghiệp ngoài nhà nước tại TP. Đà Nẵng vào khoảng gần 5,4 triệu đồng. Đây là mức lương tương đối thấp, nên không hấp dẫn, thu hút người lao động”, ông Hùng thông tin.
Ngày hội việc làm tại Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hồi đầu tháng 7/2024 |
Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong tuyển dụng lao động, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách phát triển thị trường lao động; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; tăng hiệu quả kết nối cung – cầu lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm di động tại các địa phương, trường cao đẳng, đại học. “Mới đây nhất, hồi đầu tháng 7/2024, Sở Lao động phối hợp tổ chức ngày hội việc làm tại Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Trong phiên giao dịch đó, doanh nghiệp đã tuyển dụng được hơn 700 lao động, trong đó, 500 lao động là sinh viên kinh tế”, ông Hùng cho hay.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cũng khuyến nghị, thời gian tới, doanh nghiệp cần tính toán linh hoạt cơ cấu tuyển dụng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động; nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động như tiền tăng lương, tiền tăng ca, nuôi con nhỏ… xây dựng môi trường làm việc an toàn, văn hóa sử dụng lao động tại doanh nghiệp để tuyển dụng và giữ chân người lao động.