Thứ tư 27/11/2024 12:07

Đà Nẵng: Liên kết, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy công nghiệp cơ khí

Doanh nghiệp cơ khí tại Đà Nẵng vẫn đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Cần tăng liên kết, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy công nghiệp cơ khí phát triển.

Sản phẩm của doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng chật vật cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Thế Tranh – Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Đà Nẵng, ngành cơ khí Đà Nẵng hiện vẫn không ngừng phát triển, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng.

Phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng vẫn đang chật vật cạnh tranh trên thị trường

Các sản phẩm chính của ngành cơ khí Đà Nẵng có chất lượng bao gồm máy móc, thiết bị, đồ gá, chi tiết máy, phụ tùng ô tô, xe máy, động cơ và các sản phẩm cơ khí khác đang chật vật cạnh tranh trên thị trường.

Sau Covid – 19, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới và đổi mới quy trình quản lý để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bước đầu có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, gồm cả hỗ trợ tài chính, thuế, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung cầu… Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức như cải thiện chất lượng nhân lực, liên kết doanh nghiệp cơ khí phát huy nguồn lực, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và tìm kiếm các đối tác đầu vào, đầu ra.

“Ngành cơ khí vẫn chưa thể hiện tốt vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, chưa có nhiều công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhiều chính sách cho ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai”, ông Tranh nhận xét.

Giá trị tăng thêm của ngành cơ khí chế tạo (không bao gồm các ngành sản xuất lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải) hiện chiếm 14,4% tổng VA toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo thành phố Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng, ngành cơ khí là ngành thu hút được số lượng lớn nhất doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất so với các ngành công nghiệp khác tại thành phố. Tuy nhiên, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực gia công, chế tạo kết cấu công trình xây dựng, sản xuất các sản phẩm cơ khí dân dụng.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo máy, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn khá ít, với khoảng 52 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này phần lớn là doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ, chiếm khoảng 9% tổng số doanh nghiệp ngành cơ khí thành phố. Đáng chú ý, hầu hết nguyên liệu thép phục vụ cơ khí chế tạo tại Đà Nẵng đều phải nhập khẩu.

TS. Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng các doanh nghiệp cơ khí cần tăng cường liên kết, trong đó, phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết của các doanh nghiệp lớn

Liên kết với doanh nghiệp trong nước, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp FDI

Theo nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp cơ khí, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng phát triển các doanh nghiệp cơ khí nội địa (doanh nghiệp trong nước) cần tăng cường liên kết, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đại diện Hiệp hội cơ khí Đà Nẵng cho rằng cần có những chính sách đặc thù ưu tiên phát triển nền cơ khí nội địa; và cần có quy định đảm bảo dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa có cơ hội tham gia như thông lệ quốc tế các phần việc cơ khí trong nước đã làm được và làm tốt.

Bản thân các doanh nghiệp ngành cơ khí cần chủ động thay đổi cách thức sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, chuyển đổi chuỗi cung ứng thông minh hơn, kết nối hơn, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần cải thiện năng lực của ngành và của doanh nghiệp, phát triển các cụm ngành sản xuất, liên kết với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm cùng phát triển.

Đồng tình với các quan điểm trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết, trong đó, phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết của các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp, từng bước làm chủ khoa học và công nghệ, chủ động vốn đầu tư để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp cận thị trường ngách, đầu tư công nghệ cao, nguồn nhân lực để tăng khả năng gia nhập chuỗi cung ứng.

TS. Nguyễn Ngọc Hòa cũng lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tiếp nhận công nghệ cao để áp dụng vào sản xuất.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Hòa, bản thân các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung, doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng riêng quy mô chủ yếu là rất nhỏ, công nghệ chưa hiện đại, vì vậy rất cần có sự đồng hành của chính quyền thông qua việc có các chính sách hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí tham gia các dự án đầu tư lớn, tiếp cận học hỏi, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao trình độ phát triển của cơ khí chế tạo Việt Nam.

Hội thảo “Liên kết, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển ngành cơ khí” góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng

Ngày 5/5, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội thảo “Liên kết, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển ngành cơ khí” do Hội Cơ khí thành phố tổ chức.

Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng, gắn kết các dịch vụ - thương mại nhằm hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới; góp phần giúp doanh nghiệp có kinh nghiệm chủ động hơn trong hoạch định chính sách mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành cơ khí đã cùng trao đổi vai trò của liên kết, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển ngành cơ khí; cơ hội và thách thức của ngành cơ khí trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, Việt Nam hiện nay; cập nhật thông tin về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ phát triển ngành cơ khí TP. Đà Nẵng; trao đổi các thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng; tìm hiểu các chính sách hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí Đà Nẵng.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024: Kết nối giao thương, mở ra cơ hội

Hà Nội: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần trợ lực hơn về chính sách

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Bình Định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu

Dự án hỗ trợ nhà cung cấp thuần Việt năm thứ 3 của Toyota ghi nhận thành quả bước đầu

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội

Nóng: Toyota 'nhá hàng' phiên bản bán tải cho mẫu xe SUV Land Cruiser

Đoàn doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại HANSSIP

Triển lãm công nghiệp Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Bắc Ninh

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài dự lễ khai mạc Triển lãm Vietnam Motor Show 2024

Hé lộ những mẫu xe hứa hẹn thu hút sự chú ý tại triển lãm Vietnam Motor Show 2024

Khai mạc Triển lãm HanoiTex & HanoiFabric 2024

Ngành công nghiệp tàu thủy: Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

M-Tech Osaka 2024: Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu