Đà Nẵng: Kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường cần sự chung tay của cộng đồng
Nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và liên tục
Đà Nẵng là thành phố liên tục đón các đoàn khách nội địa và quốc tế đến du lịch. Đặc biệt, thời gian vừa qua diễn ra Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024, cùng các sự kiện lớn nên đã thu hút đông đảo du khách và người dân đến với thành phố. Vì vậy các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách và người dân cũng tăng lên.
Trước sự biến động về giá cả hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu và thực phẩm, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp kiểm tra và giám sát nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, việc kiểm tra và duy trì sự ổn định giá cả là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và liên tục. Đáng chú ý, trước khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh, Cục đã triển khai các biện pháp để kiểm soát giá cả và kiềm chế lạm phát.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng |
Theo đó, thực hiện nghiêm Công điện số 61 ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý và điều hành giá, Cục chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, các hành vi về đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục quản lý thị trường còn phối hợp với các lực lượng chức năng cũng như cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố, gồm có: Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế thành phố, các Phòng Kinh tế và Hạ tầng tại các quận, huyện,… tăng cường giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giá.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân kinh doanh ở trên địa bàn thành phố.
Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các chợ, và trên thị trường có xu hướng tăng cao, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp cụ thể để kiểm soát tình hình. Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, Cục đã yêu cầu các đội quản lý thị trường phải đẩy mạnh giám sát diễn biến giá cả đối với nhóm hàng này. Các biện pháp nghiệp vụ sẽ được triển khai để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến giá.
Cục cũng phối hợp chặt chẽ với ban quản lý chợ tại các khu vực trên địa bàn thành phố để kiểm tra giá cả hàng hóa. Đặc biệt, các sạp kinh doanh tại các chợ đã được yêu cầu ký cam kết thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Điều này nhằm ngăn chặn việc găm hàng và tăng giá bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Nếu phát hiện các hành vi vi phạm, Cục sẽ xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024. Các vụ việc vi phạm nghiêm trọng sẽ được công khai thông tin trên website của Cục và các phương tiện truyền thông để cảnh báo và răn đe các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường kiểm tra hàng hóa kinh doanh |
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra 1.085 vụ việc, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 921 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4,34 tỷ đồng, tương đương tăng 104,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 7.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm có trị giá hơn 960 triệu đồng.
Đồng thời, xử lý gần 1.050 hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, y tế, giá hàng hóa và các vi phạm khác trong kinh doanh.
Cần sự chung tay cộng đồng, người dân
Cục trưởng Cục quản lý thị trường Đà Nẵng nhấn mạnh rằng, để kiểm soát bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát thì không chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các lượng lượng chức năng mà cần có sự chung tay của cộng đồng, người dân, cũng như là các đơn vị kinh doanh.
“Người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn sản phẩm, tìm hiểu kỹ giá cả và yêu cầu hóa đơn khi mua hàng. Việc này không chỉ giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình mà còn hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc chống thất thu thuế và giải quyết các khiếu nại”, ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng khuyến cáo.
Dự báo tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại có khả năng tiếp tục diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng lên thời điểm cuối năm, dịp lễ, tết và sự chênh lệch so với giá hàng hóa bên kia biên giới.
Quản lý thị trường Đà Nẵng tuyên tuyền, hướng dẫn chủ hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa |
Trước dự báo đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương liên quan đến công tác quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thành ủy, UBND thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 thành phố,… để triển khai tốt các nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch kiểm tra thị trường đã được xây dựng. Căn cứ tình hình, diễn biến thị trường, chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm tra, ổn định tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.