Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu là công trình được EU tài trợ trong phạm vi hoạt động của Dự án DSED, do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng thực hiện.
Khánh thành dự án hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu |
Dự án DSED đã lựa chọn lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại bốn cơ sở công gồm Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường THCS Hoàng Diệu và Trường tiểu học Võ Thị Sáu với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời cũng được lắp đặt tại 6 hộ gia đình với tổng công suất lắp đặt 2,75 kWp/hệ. Tất cả các hệ thống về cơ bản đã đi vào vận hành từ tháng 6/2019 và đã hòa lên lưới điện quốc gia, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở công và các hộ gia đình được chọn.
Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong tương lai, năng lượng được coi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam, các dự báo cho thấy vào năm 2030, phát thải khí nhà kính của Việt Nam có thể tăng gấp ba lần. EU cam kết mạnh mẽ và ủng hộ phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, bằng việc triển khai các dự án gia tăng hiệu quả năng lượng, tăng thị phần của năng lượng tái tạo và đảm bảo tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng cho mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất”.
Việc lắp đặt thí điểm 10 hệ thống điện năng lượng mặt trời góp phần giảm lượng phát thải nhà kính khoảng 34,96 tấn CO2/năm với tổng công suất lắp đặt 49,5 kWp. Tổng sản lượng điện tạo ra là 72.270 kWh/năm trong đó tổng chi phí tiết kiệm điện hằng năm đối với cơ sở công là 26 triệu đồng/hệ và đối với hộ gia đình là 8,6 triệu đồng/hệ.
Bàn giao hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái cho đơn vị thụ hưởng - Trường tiểu học Võ Thị Sáu |
Ông Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu - chia sẻ: “Chỉ sau ba tháng đi vào vận hành thử nghiệm, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái đã sản xuất tổng sản lượng điện 3.561 kWh, tiết kiệm 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường. Hệ thống điện mặt trời không những bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà trường trung bình 2,2 triệu đồng/tháng”.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái là một trong những giải pháp quan trọng giúp tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ tự cung tự cấp nhu cầu sử dụng điện, giảm sức ép về nhu cầu điện lên lưới điện quốc gia và bảo vệ môi trường.
Việc lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các cơ sở công và hộ gia đình từ Dự án DSED do EU tài trợ góp phần lan tỏa và nhân rộng ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch và bền vững tại TP. Đà Nẵng.
Được biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao khí hậu châu Âu 2019 do EU phối hợp với các cộng đồng, đối tác trên toàn thế giới thực hiện nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với nhu cầu cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu. Chương trình năm nay hướng tới giới trẻ, những người có tương lai chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.
Tuần lễ Ngoại giao khí hậu châu Âu 2019 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 27/9 - 6/10 tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An. Ngoài bàn giao dự án điện mặt trời áp mái cho các đơn vị thụ hưởng, trong khuôn khổ tuần lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như hội thảo và thảo luận với sinh viên về vấn đề biến đổi khí hậu, đạp xe kêu gọi bảo vệ môi trường, chiếu phim về sự ấm lên của đại dương và tác động tới các rạn san hô và sinh vật biển, sau đó là phần thảo luận với giới trẻ, chiến dịch làm sạch môi trường….
Hệ thống điện năng lượng mặt trời đã lắp đặt tại Trường Võ Thị Sáu |
Các chuyên gia EU nhận định, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và Mục tiêu phát triển bền vững, EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng, và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2020, EU dành ngân sách 320 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như 30 triệu Euro nữa cho các dự án đầu tư bền vững. Ngoài phạm vi song phương, Việt Nam cũng hưởng lợi từ các chương trình hợp tác được tài trợ thông qua các dòng ngân sách theo chủ đề và các chương trình ở khu vực.