Đà Nẵng: Miễn 100% tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương trong 6 tháng |
Về lâu dài, phải tính đến “sống chung với dịch”
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tối 1/9, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã thảo luận, đưa ra những định hướng về các giải pháp phòng chống dịch sau 8h ngày 5/9.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hỏi han việc đặt mua hàng thiết yếu của người dân tại chợ Hàn |
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng, sau 16 ngày tập trung các biện pháp chống dịch cấp cao, thành phố đã đạt được 2 mục tiêu cơ bản đó là cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm và cơ bản bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Dù có thực hiện “nới lỏng” một số hoạt động, tuy nhiên, toàn thành phố phải đặt mục tiêu giữ được thành quả của 20 ngày chống dịch cao điểm vừa qua, trong đó, người dân tự nhận thấy vai trò, sự hy sinh trong phòng chống dịch, để tự ý thức bảo vệ mình.
Với thực tế diễn biến dịch bệnh và những biến thể mới của virus hiện nay, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng thành phố phải làm quen với việc “sống chung với dịch”.
Hiện TP. Đà Nẵng còn 5 nguồn lây nhiễm chính cần phải ngăn chặn gồm: F0 trong cộng đồng (chưa phát hiện); nguy cơ từ những người sau khi cách ly tập trung trở về; nguồn lây từ đầu mối đưa hàng hóa vào chợ, cảng cá; lái xe về từ vùng dịch; nguy cơ lọt ra ngoài từ khu phong tỏa, các kiệt hẻm. Vì vậy, thành phố cần bám sát để ngăn chặn triệt để các nguồn lây này.
Sau ngày 05/9, TP. Đà Nẵng tính đến “nới lỏng” một số hoạt động, tương ứng với số người tham gia các hoạt động cũng tăng lên. Thành phố sẽ kiểm soát số người ra ngoài bằng các giấy đi đường có mã QR – Code. Người dân khi ra đường có giấy đi đường này qua các chốt sẽ được kiểm tra bằng cách quét mã. Ngoài các chốt kiểm soát dịch như hiện nay sẽ tăng cường thêm các chốt tại các tổ, thôn, khu dân cư.
Việc mở các hoạt động và số lượng người được ra ngoài còn căn cứ theo độ an toàn của từng vùng, khu vực. Trong đó, đối với vùng đỏ (khu vực có nguy cơ rất cao) sẽ áp dụng cách ly tuyệt đối (phong tỏa); còn lại các vùng vàng (khu vực có nguy cơ và nguy cơ cao) và vùng xanh (khu vực có nguy cơ thấp, ít nhất 14 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid – 19 trong cộng đồng) việc ra vào của người dân sẽ được kiểm soát qua quét QR – Code.
Đề xuất người dân đi mua hàng thiết yếu 5 ngày/lần
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, về phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu thành phố tính đến việc để người dân đi mua hàng hóa thiết yếu ở một mức độ nhất định (trừ người dân khu vực vùng đỏ), vì thành phố không thể cung ứng tận nơi mãi được.
TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ duy trì các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm và cho phép người dân đi mua hàng thiết yếu 5 ngày/lần (trừ người dân ở vùng đỏ) |
Ở thời điểm hiện tại, chợ truyền thống cũng là một trong những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy, thành phố vẫn sẽ hạn chế số lượng chợ truyền thống được mở lại cũng như hạn chế số lượng tiểu thương đi bán tại các chợ truyền thống đã được mở lại. Thay vào đó, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, thành phố sẽ giữ nguyên các chợ tạm, các điểm cung ứng hàng hóa lưu động như hiện tại và tăng thêm số lượng mặt hàng, chủng loại hàng hóa; cùng với gần 20 chợ truyền thống, hàng trăm cửa hàng tạp hóa đã được mở, các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu của người dân.
“Người dân sẽ đi ra điểm bán hàng để mua hàng. Việc cấp thẻ đi mua hàng thiết yếu giao cho phường/xã, không cấp đại trà mà cấp theo đợt. Tôi đề nghị là cấp theo 5 ngày/1 lần và 1 hộ chỉ cho 1 người đi chợ. Muốn kiểm soát người dân ra đường thì phải kiểm soát việc cấp giấy cho họ”, ông Quảng nói.
Tính đến ngày 01/9, toàn TP. Đà Nẵng đã có 10 siêu thị, trung tâm thương mại lớn, hệ thống gần 200 cửa hàng bán lẻ tiện lợi (siêu thị mini), 14 chợ truyền thống được mở cửa trở lại với số lượng tiểu thương hạn chế (mỗi chợ chỉ dưới 30 tiểu thương) bán các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu; cùng với đó, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, mỗi quận, huyện đều chủ động thành lập các điểm bán hàng, cung ứng hàng hóa lưu động, các chợ tạm để cung ứng hàng hóa cho người dân. Ngoài ra còn 30 điểm bán hàng lưu động do công an TP. Đà Nẵng thực hiện. Trong ngày 01/9, một số cửa hàng tạp hóa tại một số quận đã được phép mở cửa trở lại để tăng cung ứng hàng hóa cho người dân. Hình thức mua hàng hiện tại vẫn là mua hàng theo tổ dân phố, ngoại trừ 14 đơn vị được tiếp nhận đơn hàng online và cung ứng hàng hóa cho khách lẻ.
Đối với chợ đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang, tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch Covid – 19 TP. Đà Nẵng chiều 01/9, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Lê Trung Chinh cho biết sau 05/9, thành phố vẫn chưa thể mở lại 2 chợ đầu mối cung ứng thực phẩm này để đảm bảo kiểm soát dịch.