Thứ ba 26/11/2024 20:41

Đà Nẵng: 100% nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi không phải thực hiện “3 tại chỗ”

Đại diện UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: “Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhân viên phân phối là lực lượng chống dịch, tham gia hoạt động phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân nên không phải thực hiện “3 tại chỗ”, được về nhà nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để làm việc”.

Để tăng thêm năng lực cung ứng hàng hóa cho người dân, tại Quyết định 2860/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 về việc “Bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7 và Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Lê Trung Chinh - đã quyết định từ 8h ngày 26/8 đến 8h ngày 5/9, bên cạnh duy trì các biện pháp chống dịch như Quyết định 2788, sẽ điều chỉnh cho phép: “Hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) được bố trí tối đa 100% số người làm việc”.

UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: 100% nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi không phải thực hiện “3 tại chỗ”

Trao đổi về việc 100% nhân viên này có phải thực hiện “3 tại chỗ” hay không và nếu có sẽ thực hiện bao nhiêu %, đại diện UBND TP. Đà Nẵng cho biết: do đặc thù các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi không có diện tích để phục vụ nhân viên ăn, ở, ngủ nghỉ, nên nếu bắt buộc thực hiện “3 tại chỗ” đối với lực lượng này trong điều kiện không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Trong khi đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố đang áp dụng các biện pháp thắt chặt để chống dịch, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”, nhu cầu cung ứng hàng hóa cho người dân là vấn đề quan trọng, số lượng các đơn hàng lớn, nhân viên các đơn vị cung ứng, phân phối phải đảm bảo có sức khỏe tốt nhất để làm việc đạt hiệu suất công việc lớn nhất. Nhân viên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhân viên phân phối không chỉ đơn thuần là người bán hàng, mà được xác định là một trong những lực lượng tham gia chống dịch Covid-19.

“Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhân viên phân phối là lực lượng chống dịch, tham gia hoạt động phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân nên không phải thực hiện “3 tại chỗ”, được về nhà nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để làm việc”, đại diện UBND TP. Đà Nẵng khẳng định.

Cùng với việc 100% nhân viên các siêu thị được đi làm, để kịp thời cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thời gian đến, UBND TP. Đà Nẵng đã cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được hoạt động. Lực lượng này được Công an thành phố cấp thẻ đi đường tham gia giao nhận hàng hóa và được Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã bố trí tiêm vắc xin phòng Covid-19. Được biết, khoảng 1.000 shipper đã được tiêm phòng để đảm bảo an toàn trong quá trình giao nhận hàng hóa.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng đã cho phép lò giết mổ Đà Sơn (trung tâm giết mổ gia súc gia cầm tập trung của TP. Đà Nẵng) được phép hoạt động lại 1 chuyền sản xuất. Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm - cho biết, rạng sáng ngày 26/8, chuyền sản xuất đã chế biến 300 con heo, cung cấp ra thị trường khoảng hơn 21 tấn thịt. “Chúng tôi đang đề xuất thành phố cho mở thêm 1 chuyền sản xuất. Hiện chỉ mới có 1 chuyền được hoạt động với số nhân viên cố định, trong khi số lượng cung ứng cho thị trường lớn, các nhân viên phải làm việc liên tục, gấp đôi thời gian nhưng vẫn chưa bù đắp được nguồn cung để phục vụ thị trường”, ông Tuấn Anh nói.

TP. Đà Nẵng cũng đang kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.

Sở Công Thương Đà Nẵng tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hoá; tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân.

Vũ Lê

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh