Đã đến giai đoạn có thể gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU
Đó là khẳng định của ông Julien Guerrier - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, trong buổi làm việc với ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 4/4, tại Hà Nội.
Đại sứ Julien Guerrier cho biết, đã đến giai đoạn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi, Báo Nông nghiệp Việt Nam) |
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, kể từ sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phái đoàn châu Âu kiểm tra kết quả triển khai công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) của Việt Nam hồi tháng 10/2023.
Đề cập tới những giá trị cốt lõi của nền sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề “thẻ vàng” IUU về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Đây là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm. Gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm của đất nước, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ phía Liên minh châu Âu, Đại sứ Julien Guerrier đánh giá cao tinh thần chủ động của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu nâng cao năng lực cộng đồng ngư dân, hiện đại hóa ngành sản xuất có truyền thống lâu đời.
Tháng 4/2024 là đợt cao điểm để Việt Nam gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của châu Âu. Đại sứ Guerrier hoan nghênh biện pháp và giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang Bỉ làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) nhận thông tin để chuẩn bị cho chuyến thanh tra tiếp theo. Ông Guerrier kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của châu Âu.
Một số khuyến nghị EC đưa ra vào đợt thanh tra lần thứ 4 gồm đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi - Báo Nông nghiệp Việt Nam |
Đại sứ EU nhấn mạnh: “Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý ở cấp tỉnh, đồng thời trang bị thiết bị cần thiết để quản lý tàu cá. Chúng ta đã đến giai đoạn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, tuy nhiên trách nhiệm nằm ở phía các bạn để chứng minh cho thế giới thấy trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi thủy sản minh bạch và hợp pháp”.
Bàn sâu hơn về định hướng chuyển đổi bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin về Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Chương trình nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam. Hiện nay, Bộ đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình này và chuẩn bị ban hành”, Bộ trưởng nói.
Ngày 1/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh - một tỉnh có thế mạnh nuôi biển - tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”. Qua đó, Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi tư duy sản xuất theo định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh mục tiêu "kép" của việc gỡ thẻ vàng IUU: vừa tạo sinh kế cho ngư dân, vừa tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị EU tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh dương, đặc biệt quan tâm đến nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.