Đa dạng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với cây nấm dược liệu
Trước nhu cầu ngày càng cao về sức khỏe và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhiều người đã lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với các loại thảo dược, đặc biệt là nấm dược liệu (nấm quý).
Chị Lã Thị Quỳnh Thoan, sáng lập Công ty CP Giải pháp Sức khỏe và Sắc đẹp Thành Lộc bên trang trại sản xuất nấm súp lơ |
Khởi nghiệp bằng những đồng vốn ít ỏi đi vay mượn, chàng trai trẻ xứ Thanh - Hoàng Văn Nguyên, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu từ vào mô hình trồng nấm thảo dược trên vùng đất quê hương.
Anh Nguyên lựa chọn nấm linh chi đỏ vì đây là loại thảo dược có chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ, tăng cường hệ thống miễn dịch…
Sau hơn 4 tháng nuôi trồng thử nghiệm lần đầu, anh Nguyên tiến hành gieo cấy nấm đúng mùa để tạo thời tiết phù hợp cho cây nấm phát triển tốt. Kết quả lần này đúng như mong đợi, số phôi giống mà anh gieo cấy thu hoạch được 6 tạ/1 năm, thu về hơn 200 triệu đồng.
Chàng trai 9X - Đỗ Hoàng Khánh, ở khu phố Lâm Hòa, thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cũng về quê để “chinh phục” quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và thành lập Công ty TNHH Nấm dược liệu Việt Nam cho riêng mình.
Hiện Công ty TNHH Nấm dược liệu Việt Nam cung cấp các loại đông trùng hạ thảo dạng khô được sấy đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với giá bán 60 triệu đồng/kg. Dự định thời gian tới chàng trai trẻ này sẽ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Chị Lã Thị Quỳnh Thoan, sáng lập Công ty CP Giải pháp Sức khỏe và Sắc đẹp Thành Lộc, với nhãn hiệu THL đã tiên phong đưa nấm súp lơ - sparassis crispa từ Hàn Quốc về Việt Nam để làm thực phẩm enzyme chăm sóc sức khỏe. Đây là một thảo dược không dễ trồng nhưng có ưu điểm dược lý tuyệt vời.
Bởi hoạt chất Beta glucan chứa trong loại nấm này được biết đến là chất có khả năng chống ung thư, tăng miễn dịch, chống ô-xy hóa tế bào, kháng khuẩn, chống viêm, làm trắng da và làm chậm quá trình lão hóa tuyệt vời.
Quy mô thị trường dược liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức hơn 129 tỷ USD vào năm 2023, mức độ tăng trưởng khoảng 5,88% trong giai đoạn dự báo từ 2018 - 2023.
Theo WHO, 80% dân số thế giới ở các nước đang phát triển, chăm sóc sức khỏe liên quan đến y học cổ truyền hoặc dùng thuốc từ thảo dược truyền thống.
Bên cạnh đó, Data Bridge Market Research phân tích rằng,thị trường nấm dược liệu toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ là 9,85% trong giai đoạn dự báo 2022-2029. Bởi các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, nhất là nấm dược liệu đã ngày càng được nhiều người tin dùng.
Với tiềm năng thị trường và nhu cầu sức khỏe người tiêu dùng ngày càng cao, đây là cơ hội cho nhiều startup thành công trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản phẩm nấm dược liệu nói riêng.
Bên cạnh việc nghiên cứu và cung ứng nấm tươi, hiện nay nhiều đơn vị tại Việt Nam cũng đã có thể chế biến nhiều sản phẩm từ nấm. Nhờ đó, thị trường nấm dược liệu hứa hẹn sẽ ngày càng được mở rộng, giá trị gia tăng được nâng cao.