Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đó là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như: Thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Cục Bảo vệ thực vật nói gì về việc thời gian xét duyệt, cấp mã số vùng trồng còn chậm? |
Một vấn đề nữa được ông Đặng Phúc Nguyên đưa ra đó là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu. “Thanh long cần khoảng 6 - 7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng”, ông Đặng Phúc Nguyên dẫn chứng và đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.
Trả lời báo chí về việc thời gian xét duyệt mã số vùng trồng còn chậm, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không được nhiễm các vi sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng cần phải kiểm soát của Trung Quốc; phải đáp ứng đầy đủ các quy định về Nghị định thư, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kiểm soát về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa; đáp ứng đầy đủ các quy định về mức tồn dư tối đa cho phép đối với hàng hóa trước khi xuất khẩu; đáp ứng yêu cầu không sử dụng các hóa chất cấm của Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các cơ quan kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc để nắm rõ đầy đủ các quy định này. Đồng thời, đã xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến và phân cấp đầy đủ việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến các cơ quan ở địa phương, đặc biệt là các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hay các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương để thực hiện việc này.
Về phía các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Cục Bảo vệ thực vật đó là kiểm soát tốt dịch hại trên đồng ruộng, cũng như trong quá trình thu hái, bảo quản sản phẩm…. Việc này đã được Cục Bảo vệ thực vật tập huấn, hướng dẫn đến các doanh nghiệp.
Toàn bộ quy trình cấp mã số, giám sát mã số, tuân thủ các quy định của hoạt động xuất nhập khẩu đều do cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn, quản lý, giám sát và cấp mã số. Các mã số này khi đáp ứng được điều kiện nhập khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi cho Cục Bảo vệ thực vật. Cục sẽ thẩm duyệt lại và gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.
“Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc để tiến hành phê duyệt sớm các mã số này”, ông Huỳnh Tấn Đạt thông tin và cho biết: “Ngay như năm 2022, khi Trung Quốc vẫn siết chặt kiểm soát Covid-19, họ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành kiểm tra online các hồ sơ đã được phía Việt Nam giới thiệu”.
Bên cạnh sự nỗ lực từ cơ quan chức năng, ông Huỳnh Tấn Đạt cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại các địa phương nhằm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, gửi Cục Bảo vệ thực vật và Cục sẽ gửi cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Về phía Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tổng hợp các hồ sơ đã gửi cũng như thúc đẩy nhanh việc phê duyệt này.
“Doanh nghiệp cần bám sát các quy định mà Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong quá trình đăng ký, hoàn thiện hồ sơ cần lắm rõ các yêu cầu, yếu tố hồ sơ, thành phần hồ sơ đảm bảo quy định của Hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, các nhóm mặt hàng đăng ký qua cổng trực tuyến, các thông tin chỉ cần sai lệch, không đúng thì hệ thống sẽ từ chối phê duyệt”, ông Huỳnh Tấn Đạt một lần nữa khuyến nghị.
Hi vọng, trong thời gian tới, với việc chủ động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong việc tuân thủ, giữ được vùng trồng, quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý tốt sản phẩm trước khi xuất khẩu sẽ không chỉ giúp cho việc thông thương hàng hóa mà còn thúc đẩy phía Hải quan Trung Quốc phê duyệt sớm các hồ sơ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Riêng các nhóm hàng hóa, gồm: ngũ cốc làm thực phẩm; rau tươi, rau tách nước; gia vị có nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; trái cây đông lạnh... đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. |